Nhật báo Telegraph của Anh ngày 21/3 đã tiết lộ những thông tin liên lạc trên buồng lái trong suốt 54 phút, kể từ khi MH370 chạy trên đường băng cho tới khi câu nói cuối cùng "Được rồi, chúc ngủ ngon" được ghi lại. Các nhà phân tích cho biết trình tự của thông điệp trong đoạn hội thoại xuất hiện "hoàn toàn theo thói quen", tuy nhiên có hai điểm bất thường.Thứ nhất, tin nhắn vào lúc 1:07 từ buồng lái cho biết máy bay đang ở độ cao 35.500ft - điều này là không cần thiết vì tin nhắn đã lặp lại nội dung gửi từ 6 phút trước. Thời điểm xuất hiện tin nhắn vô cùng quan trọng, bởi lẽ nó chính là lúc thiết bị Acars của máy bay gửi tin nhắn cuối cùng trước khi bị vô hiệu hóa nhiều lần trong 30 phút tiếp theo.
Thứ hai, thời điểm máy bay mất liên lạc và đột ngột chuyển hướng sang phía tây, nhằm đúng vào thời điểm chuyển giao từ trạm kiểm soát không lưu ở Kualar Lumpur cho trạm kiểm soát ở Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này làm tăng khả năng nghi ngờ về một âm mưu can thiệp từ trước đó, khi cố tình lợi dụng "thời gian chết giữa các trạm kiểm soát không lưu" - thời điểm máy bay không bị phát hiện từ mặt đất.
Máy bay của hải quân Mỹ chuẩn bị lên đường tìm kiếm máy bay mất tích MH370 ngày 20/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, ngày 22/3, Australia đã mở rộng diện tích tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu chuyến bay MH370 trên Ấn Độ Dương, với tình hình thời tiết thuận lợi hơn nhiều so với những ngày trước đó.
Đây là ngày tìm kiếm thứ ba của lực lượng Australia trên khu vực hành lang phía nam, với vị trí tập trung vào khu vực biển hẻo lánh nằm cách thành phố Perth (bang Tây Australia) khoảng 2.500 km về phía tây nam - nơi các hình ảnh thu được từ vệ tinh ngày 16/3 đã phát hiện hai vật thể trôi nổi nghi là mảnh vỡ của MH370. Theo Cơ quan quản lý An toàn hàng hải Australia, tính đến hết ngày 21/3, toàn bộ 5 máy bay của Australia đã quần thảotrên khu vực rộng 36.000 km2, song không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của MH370. Thời tiết không thuận lợi trong những ngày qua đã khiến sứ mệnh tìm kiếm gặp khá nhiều khó khăn và hạn chế tầm nhìn.
Các hoạt động tìm kiếm MH370 cũng đang được tiến hành trên khu vực rộng lớn phía tây của Malaysia, tập trung vào hai hành lang, trong đó hành lang phía bắc trải dài từ biên giới của Kazakhstan và Turkmenistan tới miền bắc Thái Lan, và hành lang phía nam trải dài từ Indonesia đến phía nam Ấn Độ Dương. Hành lang phía nam luôn là một thách thức trong chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ do các lực lượng tìm kiếm luôn phải đối mặt với các thách thức về thời tiết, độ sâu của biển và sóng lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 21/3 khẳng định chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích MH370 sẽ vẫn được tiếp tục ngay cả khi hộp đen của máy bay hết pin - 30 ngày sau khi bắt đầu chuyến bay.
Trong cuộc điện đàm chiều 21/3 với người đồng cấp Malaysia Najib Tun Razak, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu hộ máy bay mất tích. Hiện Nhật Bản đã triển khai 7 máy bay để tham gia công tác tìm kiếm. Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ cũng đã triển khai 4 tàu chiến đến vịnh Bengal, biển Andaman và phía tây của quần đảo Andaman trong chiến dịch này. Hoạt động tìm kiếm trên không cũng đang được Ấn Độ triển khai với 5 máy bay. Trước đó, ngày 20/3, Ấn Độ đã bác yêu cầu của Trung Quốc xin phép 4 tàu chiến của Bắc Kinh vào lãnh hải Ấn Độ để tìm máy bay mất tích của Malaysia.
Campuchia mới đây đã khẳng định sẽ tham gia cuộc tìm kiếm theo yêu cầu từ Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc và Nhật Bản cũng sẽ điều thêm tàu và máy bay đến tham gia chiến dịch đa quốc gia tìm kiếm trên không và trên biển trong những ngày tới. Trong khi đó, Mỹ ngày 21/3 cho biết họ đang xem xét đề nghị từ phía Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, về việc cung cấp thiết bị giám sát dưới biển để giúp tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia đang mất tích.
TTXVN/Tin tức