Ba Lan, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ trong tháng này, đã từ chối đưa ra thông báo do quan điểm bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Dmitry Polyanskiy - Phó Đại diện thường trực Nga tại LHQ cho biết, tại cuộc họp, Trung Quốc cho rằng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở vùng Kashmir là một vấn đề quốc tế, trong khi đó, các nước thành viên khác của HĐBA LHQ coi đây là vấn đề song phương.
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho biết các thành viên của HĐBA LHQ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Jammu và Kashmir. Theo quan chức này, quan điểm chung của các nước thành viên là kêu gọi những bên liên quan kiềm chế, không đưa ra các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực.
Dù Ấn Độ và Pakistan không tham gia cuộc họp của HĐBA LHQ nhưng phái viên tại LHQ của hai nước này tiếp tục có những phát biểu bảo vệ quan điểm của mỗi nước trong các cuộc họp báo riêng rẽ.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã có cuộc điện đàm để thảo luận về “những diễn biến trong khu vực”. Theo thông báo, trong cuộc thảo luận, Tổng thống Trump “đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cả Ấn Độ và Pakistan giảm căng thẳng thông qua thúc đẩy đối thoại song phương”.
Thời gian qua, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã gia tăng sau khi New Delhi ban hành Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir. Theo đó, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh - không có cơ quan lập pháp - cùng Jammu và Kashmir - có cơ quan lập pháp - sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31/10 tới. Pakistan đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra LHQ.