Trong tuyên bố, các thành viên HĐBA LHQ “ghi nhận thông báo của Israel về việc mở cửa khẩu biên giới Erez và cho phép sử dụng cảng Ashdod để chuyển hàng cứu trợ vào Gaza, nhưng nhấn mạnh cần phải hành động nhiều hơn để có thể đáp ứng được quy mô của nhu cầu cứu trợ”.
Tuyên bố cũng nhắc lại “quan ngại sâu sắc” của HĐBA trước “con số thương vong về người trong cuộc xung đột hiện nay, tình hình nhân đạo ngày càng trầm trọng và nguy cơ nạn đói đang cận kề ở Gaza”.
Cơ quan quyền lực nhất của LHQ cũng kêu gọi “dỡ bỏ ngay lập tức mọi rào cản đối với hoạt động cung cấp cứu trợ nhân đạo quy mô lớn cho dân thường và phân phối hàng cứu trợ mà không bị cản trở”.
Tuần trước, Israel đã cam kết sẽ mở cửa khẩu Erez ở phía Bắc sau khi Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu có cuộc điện đàm khá căng thẳng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu Israel “hành động ngay lập tức” trong vấn đề viện trợ.
Hôm 9/4, người phát ngôn cơ quan nhân đạo LHQ, ông Jens Laerke, dẫn số liệu thống kê từ tháng 3 cho thấy việc được thông quan để vận chuyển thực phẩm khó khăn hơn nhiều so với các loại viện trợ khác vào Gaza. Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Laerke cho biết: “Các đoàn xe thực phẩm lẽ ra phải được quyền di chuyển đặc biệt về phía Bắc Gaza, nơi 70% người dân phải đối mặt với nạn đói, nhưng khả năng bị từ chối cao gấp 3 lần so với bất kỳ đoàn xe nhân đạo nào chở các loại hàng hóa khác”. Quan chức LHQ nhấn mạnh rằng “nghĩa vụ của các bên xung đột là tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo tiếp cận nhân đạo không chỉ dừng lại ở biên giới”.
Israel đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày lớn yêu cầu tạo điều kiện để đưa thêm viện trợ vào Gaza, nơi đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo 6 tháng sau khi bùng phát xung đột.
*Cùng ngày, người đứng đầu cơ quan y tế Gaza - ông Bassem Naim -cho rằng chỉ có lệnh ngừng bắn mới có thể mang lại “đủ thời gian và sự an toàn” để xác định được vị trí và số phận của các con tin Israel đang bị giam giữ ở vùng lãnh thổ này.
Tuyên bố của vị quan chức Hamas nêu rõ: “Một phần của tiến trình đàm phán là đạt được thỏa thuận ngừng bắn để có đủ thời gian và sự an toàn nhằm thu thập dữ liệu cuối cùng và chính xác hơn về những người Israel bị bắt… bởi vì họ bị giam giữ ở những nơi khác nhau bởi các nhóm khác nhau, một số người trong số họ đã thiệt mạng dưới đống đổ nát cùng với chính người dân của chúng tôi và chúng tôi thương lượng để có được thiết bị hạng nặng cho mục đích tìm kiếm”.
Những cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn đã được tiến hành ở Cairo (Ai Cập) kể từ ngày 7/4 song đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ bước đột phá nào đối với đề xuất do các nhà hòa giải Mỹ, Qatar và Ai Cập đưa ra.
* Cũng trong ngày 11/4, nhật báo Hürriyet Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Ngoại trưởng nước này Hakan Fidan và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã điện đàm để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Gaza trong bối cảnh gia tăng nguy cơ leo thang mới giữa Israel và Iran.
Theo Hürriyet, cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng hai nước được tổ chức theo sáng kiến của ông Blinken. Hai bên đã trao đổi ý kiến về cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở Gaza và các vấn đề an ninh khu vực khác.
Cuộc điện đàm diễn ra vào thời điểm Tehran liên tục tuyên bố sẽ trả đũa vụ Israel tấn công tòa nhà lãnh sự của Iran tại Damascus (Syria) hôm 1/4 khiến 2 sĩ quan cấp tướng, 5 cố vấn quân sự của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng và ít nhất 12 người bị thương.