Cánh cửa Điện Élyée đã mở rộng chào đón nhân vật đại diện cho đảng Xã hội (PS) sau 17 năm kể từ thời François Mitterrand làm Tổng thống. Điều mà chính khách kỳ cựu François Hollande gọi là “Niềm mơ ước cho nước Pháp” đã thành hiện thực vào ngày chủ nhật 6/5 vừa qua, cũng là ngày kết thúc cuộc chiến nóng bỏng giành ghế Tổng thống Pháp. Tuy nhiên, ông Hollande và PS còn phải chuẩn bị bước vào một trận chiến mới, đó là cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra trong hai ngày 10 và 17/6 tới, mà người dân Pháp vẫn gọi là cuộc bầu cử tổng thống vòng ba.
Trận chiến vòng ba
Khi lễ mừng chiến thắng tại quảng trường Bastille ở trung tâm thủ đô Pari vừa hạ màn, ông Hollande và êkíp của ông đã lập tức phát động chiến dịch tranh cử mới, kêu gọi “tất cả những ai muốn thay đổi” trao cho tân tổng thống một đa số tuyệt đối tại Hạ viện, để ông có thể thực hiện những dự án cải tổ. Giới truyền thông cho rằng cuộc bầu cử lập pháp vào tháng tới sẽ không dễ dàng đối với đảng Xã hội theo đường lối trung tả của Tổng thống vừa đắc cử.
Người ủng hộ PS của Tổng thống đắc cử Hollande ăn mừng chiến thắng bên ngoài trụ sở đảng hôm 6/5/2012. Ảnh: AFP - TTXVN |
Do chiến thắng quá sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Hollande sẽ phải nỗ lực giành được sự ủng hộ của đại đa số cử tri trong cuộc bầu cử lập pháp tới đây. Ở trận chiến vòng ba này, cánh tả phải khẳng định được sức mạnh của họ sau chiến thắng của ông Hollande trong hai vòng bầu cử tổng thống. Đó không đơn thuần là một thủ tục mang tính hình thức, bởi ông Hollande đang hy vọng PS sẽ giành đa số tuyệt đối tại Hạ viện để tránh phải phụ thuộc vào lá phiếu của phe Mélenchon hay Joly. Bằng mọi giá, cánh tả phải giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, nếu không, ông Hollande sẽ phải cầm quyền với một chính phủ cánh hữu.
Về phần mình, sau thất bại đau đớn ngày 6/5, đảng cánh hữu Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) của Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy sẽ tiến hành chiến dịch tranh cử dưới sự chỉ đạo của một tập thể bao gồm Tổng thư ký đảng Jean-François Copé, Thủ tướng François Fillon và Ngoại trưởng Alain Juppé. Đối thủ của UMP là PS ngoài việc vừa giành chiếc ghế tổng thống, còn đang kiểm soát Thượng viện và đa số các hội đồng địa phương ở Pháp. Nếu cánh tả và PS giành nốt chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện, họ sẽ nắm toàn bộ quyền lực chính trị ở Pháp. Đây cũng là thách thức tiếp theo đối với đảng cánh hữu bảo thủ của ông Sarkozy.
Với việc ông Sarkozy thất cử, UMP chắc chắn sẽ trải qua một giai đoạn nhiều biến động. Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu cử Quốc hội đang gần kề, đảng này sẽ phải tạm thời gác lại những mâu thuẫn nội bộ, đẩy lùi nguy cơ xâu xé quyền lực, để tập trung cho cuộc bầu cử quan trọng tới đây. Về phía lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), bà Marine Le Pen nhiều khả năng sẽ cố khai thác những khó khăn hiện nay của UMP để giành ghế ở Hạ viện Pháp, bằng việc liên minh giữa các ứng cử viên hai đảng để đối đầu với các ứng cử viên cánh tả. Như vậy, một số ứng cử viên của UMP sẽ bị lâm vào thế kẹt: thỏa hiệp với FN thì bị lên án, nhưng không bắt tay với cực hữu thì sẽ thất bại thêm một lần nữa.
Chung sống, tại sao không?
Mới đây, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, bà Nathalie Kosciusko-Morizet, đã kêu gọi một sự “tái cân bằng quyền lực”, bất chấp thực tế là cánh tả đã nắm giữ chiếc ghế tổng thống, Thượng viện và hầu hết các hội đồng địa phương. Đáp lại, phát ngôn viên của ông Hollande tuyên bố tân tổng thống cần một “đa số hoàn hảo”, và sự chung sống giữa cánh tả và cánh hữu trong tháng tới sẽ không còn ý nghĩa.
Tối 6/5, ngay sau khi biết kết quả bầu cử tổng thống vòng hai, các nhà lãnh đạo UMP đã kêu gọi “đoàn kết, tập hợp và hàn gắn”, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử lập pháp vào trung tuần tháng 6/2012, trong một nỗ lực nhằm giữ ghế tại một số khu vực bầu cử. Thậm chí họ còn nghĩ đến những kịch bản lạc quan nhất như chung sống với cánh tả. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên nội bộ cánh hữu phải đoàn kết. Thủ tướng mãn nhiệm Fillon cho rằng chiến lược “thống nhất triệt để” có thể giúp UMP giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp sắp tới. Vấn đề ai sẽ là người lãnh đạo?
Thay đổi là bây giờ
... hay bây giờ, những rắc rối mới bắt đầu? Câu nói nổi tiếng của Léon Blum, Thủ tướng Pháp thời Mặt trận Bình dân năm 1936, đã được ông Hollande nhắc lại khi ông được hỏi muốn tuyên bố gì sau khi biết tin đắc cử Tổng thống. Có lẽ một phần ông muốn ám chỉ khả năng phải chung sống với cánh hữu nếu PS không thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện. Tại các kỳ bầu cử quốc hội trong quá khứ, cử tri Pháp luôn bỏ phiếu cho đảng của vị tổng thống mà họ vừa bầu chọn vào Điện Élysée. Gần đây nhất là trường hợp của François Mitterrand hai lần vào các năm 1981 và 1988, và Jacques Chirac vào năm 2002. Những trường hợp "chung sống" chỉ xảy ra khi bầu cử quốc hội không diễn ra vào năm bầu cử tổng thống, như trong lần giải tán Quốc hội theo quyết định của Tổng thống Chirac năm 1997.
Kịch bản thuận lợi nhất cho tân Tổng thống Hollande sẽ là PS chiếm đa số trong tổng số 577 ghế tại Hạ viện. Tuy nhiên, mục tiêu này trở nên khó khăn hơn sau khi ông Hollande chỉ giành 51,62% số phiếu trong ngày 6/5, thấp hơn so với kỳ vọng, cho dù phương thức bỏ phiếu ở vòng hai này lẽ ra đã có thể mang lại lợi thế cho PS trong cuộc bầu cử vòng ba.
Hiện giờ, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy tương quan lực lượng tả-hữu ngang ngửa nhau. Theo thăm dò, trong vòng một bầu cử lập pháp ngày 10/6, PS giành được 26%-35% số phiếu, tương tự UMP được 30%-33%, trong khi đảng cực hữu FN được 18% số phiếu.
Từ một thập kỷ nay, Pháp vẫn luôn được coi là mảnh đất của cánh hữu, nhưng đang chuyển dần sang cánh tả sau khi phái này nắm giữ phần lớn các hội đồng vùng, tỉnh và xã. Giờ đây, cử tri Pháp đã quyết định thay đổi tổng thống và khuynh hướng chính trị, vì vậy PS có cơ hội giành quyền kiểm soát hoàn toàn nếu họ tiếp tục chiến thắng ở trận chiến vòng ba.
Nguyệt Ánh