Theo hãng tin AFP, sáng ngày 11/10, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Aman Khalili và gia đình ông đã lên máy bay của Chính phủ Mỹ tới Doha, Qatar. Qatar là nơi hàng nghìn người tị nạn từ Afghanistan đang được các quan chức Mỹ xem xét hồ sơ nhập cư. Ông Khalili đã phải trốn nhiều tuần ở Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát.
Khalili là người từng tham gia vào nhóm hỗ trợ giải cứu ông Biden, khi đó vẫn là thượng nghị sĩ, trong một trận bão tuyết ở Afghanistan vào 13 năm trước. Vào thời điểm đó, trực thăng chở ông Biden buộc phải hạ cánh ở một thung lũng ở Afghanistan do bão tuyết. Đáng nói, đây lại là khu vực có nguy cơ bị Taliban tấn công. Khalili, khi đó là thông dịch viên cho Sư đoàn không vận số 82 của quân đội Mỹ, đã cùng lực lượng phản ứng nhanh di chuyển từ căn cứ Bagram tới khu vực đồi núi hiểm trở, để giúp đỡ ông Biden.
Sau khi Tổng thống Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan và lực lượng Mỹ thực hiện chiến dịch sơ tán quy mô lớn hồi tháng 8, ông Khalili đã liên hệ với phía Mỹ để có thể sơ tán khỏi Afghanistan. Gia đình ông đã ra sân bay Kabul vào cuối tháng 8 và cố gắng lên những chuyến bay cuối cùng của Mỹ để rời khỏi đất nước.
Tuy nhiên, chỉ một mình ông được lên máy bay và các thành viên trong gia đình ông phải ở lại vì thiếu giấy tờ. Một ngày sau, chiến dịch sơ tán binh sĩ cùng công dân Mỹ và người nước ngoài của Chính phủ Mỹ kết thúc. Ông Khalili và gia đình bị bỏ lại ở Afghanistan.
Vì vậy, ông đã quyết định sẽ ở lại Afghanistan và chờ cơ hội khác. Ông đã cầu cứu Tổng thống Biden: “Ngài Tổng thống, xin hãy cứu tôi và gia đình tôi. Đừng bỏ quên tôi ở đây”. Đáp lại, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Chính phủ Mỹ sẽ giúp đỡ ông bằng mọi giá: “Chúng tôi sẽ đưa ông rời khỏi Afghanistan”.
Sau đó, ông Khalili cùng gia đình được đưa tới một nơi trú ẩn an toàn ở Kabul trong nhiều ngày. Họ ẩn náu trong một ngôi nhà với sự giúp đỡ của những người Mỹ gốc Afghanistan và các cựu binh Mỹ. Một nhà thầu tư nhân cho biết để đưa một gia đình tới nơi trú ẩn thường mất chi phí khoảng 11.000 USD, mỗi đêm ở lại đây tốn 900 USD và chi phí để đưa cả gia đình ra sân bay là 11.000 USD. Tuy nhiên, phía giúp ông Khalili nói họ đã đưa gia đình này tới nơi trú ẩn mà không lấy tiền, trong lúc đó họ lên phương án để đưa gia đình ông đi.
Phía hỗ trợ ông Khalili đã nhận được nhiều lời trợ giúp từ các bên sau khi truyền thông đưa tin về trường hợp của ông. Một số nghị sĩ Mỹ tìm cách giúp ông Khalili có thể lên chuyến bay tới Qatar. Người sáng lập nhà thầu quân sự Blackwater Erik Prince cũng đề xuất một mở một chiến dịch nhằm hỗ trợ ông Khalili rời khỏi Afghanistan.
Nhưng trở ngại lớn nhất là vợ Khalili và 4 trong 5 đứa con của ông chưa có hộ chiếu Afghanistan, điều kiện bắt buộc để Taliban cho phép họ rời khỏi quốc gia Trung Nam Á. Trong nhiều tuần lẩn trốn, họ đã trải qua những ngày hy vọng rồi thất vọng liên tiếp. Các kế hoạch giải cứu đã được đưa ra, sau đó bị hủy bỏ. Trong lúc đó, ông Khalili đã vô cùng lo lắng khi nghe được tin đồn rằng Taliban tới từng nhà để truy tìm những người từng làm việc cho Mỹ.
Cuối cùng, gia đình Khalili đã phải di chuyển gần 1.000 km và tới được Pakistan vào hôm 5/10 bằng biên giới đường bộ. Theo Wall Street Journal, hành trình rời Afghanistan của Khalili và gia đình ông đến Pakistan vô cùng khó khăn. Phía Mỹ cho biết các lệnh hạn chế do Taliban đặt ra là nguyên nhân khiến các nỗ lực giúp đỡ Khalili gặp trở ngại trong một thời gian dài.
“Sau 144 giờ đồng hồ lái xe cả ngày lẫn đêm và phải di chuyển qua hàng loạt các trạm kiểm soát, gia đình tôi đã vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên, giờ đã là thiên đường với chúng tôi”, ông nói.
Trong chuyến thăm tới Pakistan, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đưa ra đề nghị với Islamabad cho phép Washington đón gia đình Khalili và đã được đồng ý.
Cũng theo Wall Street Journal, Nhà Trắng đã đề nghị thân tín của Ngoại trưởng Antony Blinken là Chánh văn phòng Suzy George đích thân thu xếp cho trường hợp của ông Khalili. Theo đó, bà George đã hỗ trợ giúp yêu cầu xin thị thực đặc biệt của Mỹ đối với gia đình ông Khalili được giải quyết nhanh chóng.
Sau hành trình sơ tán gian nan, Khalili cho biết ông muốn gửi lời cảm ơn tới mọi người, đặc biệt là nhóm cựu chiến binh Mỹ và các tổ chức đã giúp ông rời khỏi Afghanistan an toàn: “Nếu có cơ hội, tôi muốn gặp ông Biden và cảm ơn ông ấy vì sự trợ giúp và những cam kết. Tôi rất biết ơn vì Mỹ đã thực hiện lời hứa”.