Hành tinh nhỏ có chiều dài ước tính từ 3 đến 6m, được đặt tên là 2020 QG. Hành tinh này bay qua khu vực phía trên Ấn Độ Dương vào khoảng hơn 11h trưa 16/8 (giờ Việt Nam) với tốc độ gần 12,3 km/s, thấp hơn khá nhiều so với quỹ đạo bay của hầu hết các vệ tinh liên lạc.
Hình ảnh đầu tiên về 2020 QG được kính thiên văn Zwicky tại Đài thiên văn Palomar (California, Mỹ) ghi lại sau khi hành tinh này tiếp cận Trái Đất được khoảng 6 tiếng và cho hình ảnh giống như một vệt sáng dài trên bầu trời.
Thông báo của NASA nêu rõ nếu hành tinh này va chạm với Trái Đất thì cũng không gây thiệt hại mà sẽ tan rã trong bầu khí quyển, tạo ra một khối lửa khổng lồ trên bầu trời, giống như một ngôi sao băng.
Theo NASA, có khoảng vài trăm triệu hành tinh có kích cỡ tương đương 2020 QG trong vũ trụ nhưng rất khó để phát hiện những hành tinh này. Mỗi năm, những hành tinh có kích cỡ tương đương bay qua Trái Đất vài lần ở khoảng cách tương tự nhưng việc ghi lại hình ảnh những hành tinh đó là không hề dễ dàng, trừ khi chúng hướng trực tiếp tới Trái Đất và tạo ra một vụ nổ trong bầu khí quyển.
Năm 2013, một vụ nổ vật thể có chiều dài khoảng 20m từng được quan sát tại khu vực Chelyabinsk của Nga. Vụ nổ trên không trung tạo ra áp lực làm rung lắc các cửa sổ tòa nhà trong khu vực trải dài nhiều km và khiến trên 1.000 người bị thương.
Hiện nay, NASA vẫn đang theo dõi những hành tinh khác có kích cỡ lớn hơn và có thể gây nhiều nguy cơ hơn, cùng với đó là những hành tinh nhỏ hơn.
Các chuyên gia của NASA cho biết việc có thể quan sát một hành tinh bay qua Trái Đất ở khoảng cách gần như 2020 QG mang lại trải nghiệm rất thú vị khi trực tiếp nhìn thấy đường đi của hành tinh bị lực hút Trái Đất tác động rõ ràng.
Theo tính toán của NASA, biểu đồ di chuyển của hành tinh 2020 QG đã thay đổi khoảng 45 độ do tác động của lực hấp dẫn từ Trái Đất.