“Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” trong thế giới Hồi giáo

Từ ngày 12-16/9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có chuyến công du Ai Cập, Tuynidi và Libi - ba nước tại Bắc Phi cùng một số nước ở Trung Đông vốn là tâm điểm của thế giới từ đầu năm nay với làn gió lạnh buốt từ những cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Giới phân tích quốc tế nhận định với chuyến công du này, nhà lãnh đạo Ankara muốn xướng lên “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” nhằm tăng cường vai trò và ảnh hưởng của nước này trong thế giới Arập.

Ngư ông đắc lợi

Cục diện chính trị tại Bắc Phi đang chứng kiến những chấn động khi lần lượt các chính quyền tại Ai Cập, Tuynidi phải ra đi, trong khi tình hình tại Libi tiếp tục ở thế giằng co với lợi thế nghiêng về phe chống lại nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Đây là những sự kiện chưa từng có tại khu vực trong những thập niên gần đây. Cùng với sự suy yếu của các nước trong khu vực và sự can dự khá khiêm tốn của Mỹ, bối cảnh chung này vô hình trung đã tạo lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên mạnh mẽ trong thế giới Hồi giáo.

Ankara đã có những bước đi thiết thực hướng tới khu vực như công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) tại Libi là đại diện hợp pháp của người dân nước này và cung cấp 300 triệu USD cho lực lượng này. Trong làn sóng biểu tình ở Xyri hiện nay, Thủ tướng Erdogan đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Bashar al-Assad và tính đến khả năng chính quyền của ông này khó qua cơn bĩ cực. Phát biểu trong chuyến công du này, ông Erdogan bày tỏ lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc nội chiến tại Xyri. Tại Ai Cập, ông Erdogan được chào đón nồng nhiệt bởi người Arập rất ngưỡng mộ khả năng pha trộn tài tình giữa Hồi giáo với dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, coi đây như một hình mẫu cho chính quyền mới ở nước mình. Một chuyên gia nhận định, ông Erdogan sẽ sử dụng chuyến thăm Cairô như một chiếc “phong vũ biểu” để đo độ nổi tiếng của mình trên các đường phố Arập.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) hội đàm với Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf ở Cairô ngày 13/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ có thể hy vọng lấp chỗ trống khi hầu hết các quốc gia Arập hùng mạnh hơn - như Ai Cập và Xyri - đang yếu hơn trước. Trong khi đó, Irắc cũng chưa bao giờ phục hồi như thời cựu Tổng thống Saddam Hussein và tình trạng bạo lực thì tràn lan. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng một vai trò ngày càng có ảnh hưởng trong nền chính trị Irắc vì họ có thể làm trung gian hòa giải giữa các đảng phái, các nhóm tôn giáo và sắc tộc khác nhau. Họ cũng đóng một vai trò ngày càng lớn về thương mại.

Trong khi đó, bất chấp cảnh báo cũng như phản đối của Mỹ, Liên đoàn Arập (AL) vẫn tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Palextin đề nghị được công nhận nhà nước độc lập và trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc (LHQ). Việc các nước Arập bắt đầu nhận ra rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama không giúp gì được người Palextin mà chỉ hết mình ủng hộ Ixraen đã làm suy giảm sự ảnh hưởng cũng như uy tín của Mỹ trong khu vực. Và ông Erdogan đã nhanh chóng tìm cách thế chân Mỹ, mở rộng tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới Arập.

Giới chuyên gia nhận định ông Erdogan muốn nhân chuyến đi này thể hiện sự ủng hộ mà Thổ Nhĩ Kỳ dành cho cả ba nước đã và đang chứng kiến những thay đổi lịch sử, đồng thời giới thiệu chế độ Hồi giáo ôn hòa, dân chủ và hùng mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ như một hình mẫu cho các chính phủ mới ở các quốc gia Hồi giáo. Quy mô phái đoàn của Thủ tướng – với hơn 200 người trong đó có nhiều bộ trưởng và quan chức cấp cao – cũng phần nào cho thấy tham vọng lớn của ông trong việc biến đổi và chế ngự Trung Đông.

Thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực?

Với việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng công khai chống lại Ixraen, các chuyên gia phân tích cảnh báo tình hình có thể sẽ càng khiến Ten Avíp bị cô lập hơn sau chuyến công du của ông Erdogan. Thực vậy, chuyến công du này diễn ra chỉ ít ngày sau một cuộc tranh cãi ngoại giao liên quan đến sự cố năm 2010, khi quân đội Ixraen tấn công một đoàn tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Palextin, làm 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất Đại sứ Ixraen tại Ancara nhằm phản ứng việc Ten Avíp quyết không xin lỗi về vụ này. Ancara thậm chí còn cho biết sẽ huy động Hải quân hộ tống các tàu cứu trợ Gaza trong tương lai. Trong khi đó, quan hệ giữa Ixraen với Ai Cập xuống cấp nhanh chóng sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất, nhất là sau vụ Ixraen bắn chết một số binh sĩ Ai Cập trong các cuộc giao tranh ở biên giới hồi tháng trước. Việc người dân Ai Cập tấn công Đại sứ quán Ixraen tại Cairô cuối tuần qua là sự việc mới nhất cho thấy thái độ không thân thiện giữa những người Ai Cập thời hậu Mubarak với Ixraen. Chính thái độ cứng rắn của ông Erdogan đối với Ixraen đã khiến ông trở nên hấp dẫn hơn trong thế giới Arập.

Cùng với các đối thủ truyền kiếp của Ixraen như Xyri và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây nổi lên như một tác nhân quan trọng trong khu vực cũng đứng về phe không thân thiện với Ten Avíp. Chưa hết, trong khi tình hình Ai Cập vẫn rối ren với việc hội đồng quân sự chuyển tiếp bị cáo buộc chưa tiến hành các cải cách cần thiết và chậm chạp trong việc phục hồi kinh tế - xã hội, Tổ chức Anh em Hồi giáo có thể trở thành một lực lượng không thể bỏ qua trong các cuộc tổng tuyển cử mùa thu tới tại nước này - điều sẽ càng khiến cho quan hệ với Ixraen trở nên phức tạp hơn. Nếu hai trong số các nước lớn ở Trung Đông đứng về phe chống Ixraen, cán cân quyền lực trong khu vực sẽ thay đổi và dồn Ixraen vào chân tường. Cuối cùng, động thái mới nhất chống lại Ixraen là khi Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas đề nghị LHQ công nhận Nhà nước Palextin độc lập, tạo thêm một cuộc tấn công ngoại giao chống lại Nhà nước Do Thái.

Những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu định hướng lại chính sách đối ngoại của mình theo hướng không còn mật thiết với Ixraen. Việc nước này khẳng định sự ảnh hưởng của mình trong thế giới Arập, đặc biệt là ở các quốc gia phải chứng kiến rối loạn chính trị lớn, là một trong các mục tiêu chính sách đối ngoại chính của Ancara. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa sẵn sàng đóng vai trò cường quốc khu vực, hay dù chỉ là vai trò trung gian giải quyết căng thẳng giữa Ai Cập và Ixraen. Với chuyến công du khu vực của ông Erdogan, Ankara đang tiến hành một phép thăm dò cái nhìn của thế giới Arập đối với mình. Dù ảnh hưởng đang lớn dần trong khu vực, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải vượt qua một chặng đường dài phía trước để khẳng định mình.

Bạch Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN