Thông báo cho biết trong tháng 4 đã có tổng cộng 4.887 xe tải chở hàng vào Gaza, bao gồm 1.166 xe đi qua cửa khẩu Rafah nối với Ai Cập, phần còn lại đi qua cửa khẩu Kerem Abu nối với Israel. Trong số trên, chỉ có 419 xe (chiếm 8%) tới được miền Bắc Gaza, nơi cuộc khủng hoảng nhân đạo đang cấp bách với khoảng 700.000 người cần cứu trợ khẩn cấp.
Trước đó, Israel cam kết với Mỹ sẽ cho từ 300-500 xe chở hàng viện trợ vào Gaza mỗi ngày, trong khi cần khoảng 1.000 xe mới đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết cầu tàu tạm thời được quân đội Mỹ xây dựng để tăng cường vận chuyển viện trợ nhân đạo đến Gaza đã hoàn thành hơn 50%. Phát biểu với báo giới, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh thông báo: “Tính đến hôm nay, chúng tôi đã hoàn thành hơn 50% việc thiết lập cầu tàu”.
Việc khởi công xây dựng cầu tàu trên được công bố vào ngày 25/4 và các quan chức Mỹ cho biết cầu tàu sẽ đi vào hoạt động vào đầu tháng 5. Kế hoạch xây dựng cầu tàu viện trợ dự kiến tốn ít nhất 320 triệu USD. Kế hoạch này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lần đầu tiên vào đầu tháng 3, khi Israel ngừng chuyển hàng hỗ trợ bằng đường bộ.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cung cấp 3.780 gói thực phẩm dưới dạng viện trợ nhân đạo khẩn cấp nhằm cải thiện tình hình dinh dưỡng của người dân trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Các gói thực phẩm đã được vận chuyển đến Gaza vào ngày 30/4 qua cửa khẩu biên giới Rafah với sự hỗ trợ của Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Ai Cập (ERC). Đây là đợt cung cấp viện trợ lương thực khẩn cấp thứ 3 của Nhật Bản dành cho người dân ở Gaza. JICA cho biết mỗi gói thực phẩm có thể nuôi một gia đình 5 người trong một tuần.
Sau hơn 6 tháng xung đột giữa Hamas và Israel, tình hình nhân đạo ở Gaza hiện rất nghiêm trọng. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết toàn bộ dân số 2,2 triệu người của vùng lãnh thổ này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Theo Sở Thông tin của Gaza, ước tính thiệt hại đã lên tới gần 33 tỷ USD, và khiến 90% người dân tại đây phải sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Các cuộc tấn công của Israel đã phá hủy cơ sở hạ tầng của 15 lĩnh vực kinh tế tại Gaza, trong đó có y tế, giáo dục, xây dựng, nhà ở, dịch vụ đô thị, hành chính, công nghiệp và thương mại, điện lực, giao thông. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 75%, tăng gần 30% so với trước thời điểm xảy ra xung đột.