Hàng trăm người biểu tình tại Kabul vì không rút được tiền mặt

Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài một ngân hàng ở thủ đô Kabul, trong khi vô số người khác xếp hàng dài trước các máy ATM để chờ rút tiền mặt.

Chú thích ảnh
Đám đông tập trung trước Ngân hàng Kabul ở Kabul, Afghanistan hôm 28/8. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), hôm 28/8, hàng trăm người, bao gồm nhiều công chức, đã tụ tập bên ngoài ngân hàng ở Kabul để biểu tình vì không thể rút tiền mặt. Những người này cho biết họ đã không được trả lương suốt 3 đến 6 tháng qua. Dù các máy ATM vẫn hoạt động, nhưng số tiền rút được chỉ giới hạn ở mức khoảng 200 USD sau 24 giờ.

Cách đây 3 ngày, hôm 26/8, ngân hàng trung ương đã yêu cầu các chi nhánh của họ mở cửa trở lại, song cũng chỉ cho phép khách hàng rút tối đa 200 USD/tuần và cho biết đây là một biện pháp tạm thời.

Chú thích ảnh
Người Afghanistan chờ hàng giờ để cố gắng rút tiền. Ảnh: AP
Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng dài chờ đợi trước một ngân hàng ở Kabul. Ảnh: AP

Trước đó, khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul, phần lớn ngân hàng tại thủ đô đều phải đóng cửa khiến hàng triệu người rơi vào cảnh không có tiền mặt. Các chủ doanh nghiệp cũng không thể trả lương cho nhân viên dù họ có tiền trong tài khoản. 

Chú thích ảnh
Ảnh: AP
Chú thích ảnh
Khung cảnh trước Ngân hàng Kabul, ở Kabul, Afghanistan hôm 28/8. Ảnh: AP

Taliban không thể tiếp cận gần như bất kỳ khoản dự trữ nào trong số 9 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan, phần lớn do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York nắm giữ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã đình chỉ việc chuyển khoảng 450 triệu USD cho Afghanistan vì lo ngại an ninh. Các chuyên gia dự báo rằng nếu không có nguồn cung USD dự trữ, đồng nội tệ của quốc gia này có nguy cơ mất giá nghiêm trọng. Điều này có thể khiến giá hàng hóa thiết yếu tăng vọt.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng hạn hán ngày càng tồi tệ sẽ đe dọa sinh kế của hơn 7 triệu dân Afghanistan. Tình cảnh càng nghiêm trọng hơn trước mối đe doạ của đại dịch COVID-19 và việc người dân đang tìm cách di rời khỏi các cuộc giao tranh gần đây. Đầu tháng này, FAO ước tính khoảng 14 triệu người dân Afghanistan đang rơi vào tình cảnh đói kém nghiêm trọng, cứ 3 người Afghanistan thì có 1 người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp.

Mỹ và các đồng minh cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan thông qua Liên Hợp quốc và các đối tác khác. Tuy nhiên, bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng có khả năng phụ thuộc vào việc liệu Taliban có thực hiện lời cam kết của họ về một cách tiếp cận ôn hòa hơn hay không.

Afghanistan phụ thuộc nhiều vào viện trợ quốc tế, vốn chiếm khoảng 75% ngân sách của chính phủ do phương Tây hậu thuẫn. Khi Taliban lên nắm quyền, lực lượng này cho biết họ muốn có mối quan hệ tốt với cộng đồng quốc tế và cam kết về một hình thức cai trị ôn hòa hơn so với thời kỳ nắm quyền trước đó. Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan vẫn hoài nghi về điều này.

Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng kinh tế tại Afghanistan có thể tạo ra đòn bẩy cho các quốc gia phương Tây khi họ cố gắng thúc giục các nhà lãnh đạo Taliban thành lập một chính phủ toàn diện, ôn hòa, và cho phép người dân rời khỏi đất nước sau hạn chót Mỹ rút quân vào ngày 31/8.

Hải Vân/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Đánh bom khủng bố đẫm máu ở Afghanistan; Tranh cãi chiến lược 'không COVID-19'
Thế giới tuần qua: Đánh bom khủng bố đẫm máu ở Afghanistan; Tranh cãi chiến lược 'không COVID-19'

Trong tuần qua, vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul, Afghanistan khiến 170 người chết và tình hình dịch COVID-19 tại những nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt là vấn đề được truyền thông thế giới quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN