Lo ngại COVID-19 lây lan nhanh khi người dân Afghanistan chen chúc tại sân bay

Hàng nghìn người dân Afghanistan chen chúc cố gắng xuất cảnh qua sân bay Kabul hoặc đang tập trung dồn ứ tại các lán trại khiến nhiều tổ chức nhân đạo cảnh báo rằng tình trạng này có thể dẫn đến số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine COVID-19 tại Kabul (Afghanistan) ngày 11/7. Ảnh: AP

Tờ Washington Post (Mỹ) nhận định rằng thời điểm này hệ thống y tế của Afghanistan đã gặp nhiều khó khăn do xung đột và nguồn cung bị ảnh hưởng từ diễn biến ở sân bay Kabul.

Kể từ khi lực lượng Taliban tiến vào Kabul ngày 15/8, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 và xét nghiệm tại Afghanistan đã giảm mạnh. Theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kế hoạch tăng cường nguồn cung oxy và phòng chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện cũng bị hoãn lại.

Một người phát ngôn của UNICEF vào ngày 25/8 cho biết tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 tại Afghanistan đã giảm 80% trong tuần trước, vài ngày sau khi Taliban kiểm soát Kabul. Trong tuần từ 15/8, chỉ có 30.500 người được tiêm vaccine COVID-19 tại 23 tỉnh ở Afghanistan, giảm so với con số 134.600 người được tiêm chủng ở 34 tỉnh vào tuần trước đó.

Người phát ngôn của UNICEF còn cảnh báo rằng 2 triệu liều vaccine COVID-19 tại Afghanistan dự kiến hết hạn sử dụng trong những tháng tới. WHO ngày 24/8 cho biết mới chỉ có khoảng 5% dân số Afghanistan được tiêm đủ 2 liều vaccine. Cũng theo WHO, tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 tại Afghanistan đã giảm 77% trong tuần từ 15/8 so với tuần trước đó.

Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO ở vùng Đông Địa Trung Hải, ông Rick Brennan đánh giá: “Rõ ràng COVID-19 không phải là ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với phần lớn người Afghanistan”.

Trước khi Taliban giành quyền kiểm soát, chính phủ Afghanistan đã gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch, phần lớn do sự nghi ngại của công chúng với hệ thống y tế yếu ớt do tác động của chiến tranh.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Afghanistan ghi nhận tổng cộng 152.000 ca mắc và trên 7.000 trường hợp thiệt mạng. Trong tháng 7, mới chỉ có 700.000 người được xét nghiệm COVID-19 trong tổng dân số 40 triệu người.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 sẽ tăng vọt tại Afghanistan khi có nhiều người mất nhà cửa có biểu hiện triệu chứng của bệnh.

Nhà phân tích Roshni Kapur tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định rằng Taliban vẫn rất nghiêm túc với mối đe dọa từ dịch COVID-19.

Ông Brennan trong khi đó cho biết nhân viên của WHO chưa nhận được thông tin nào cho thấy Taliban có thể cản trở hoạt động của tổ chức này.

Hà Linh/Báo Tin tức
Phương Tây có chấp nhận thất bại ở Afghanistan và quan hệ với Taliban?
Phương Tây có chấp nhận thất bại ở Afghanistan và quan hệ với Taliban?

Taliban ngày 17/8 tuyên bố cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm tại Afghanistan đã kết thúc và lực lượng này sẽ thành lập một nhà nước Hồi giáo tại đây. Liệu các cường quốc phương Tây có chấp nhận kết cục đó và chấp nhận quan hệ với Taliban?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN