Vụ kiện dân sự bị tạm dừng vào năm 2018 nhưng đã được khởi động lại sau khi báo cáo điều tra về máu nhiễm bệnh được công bố và khoảng 500 nạn nhân ghi danh tham gia vụ kiện.
Vụ việc liên quan đến các sản phẩm đông máu nhập khẩu từ Mỹ đã khiến những người truyền chế phẩm máu này mắc bệnh máu khó đông, nhiều trường hợp khác nhiễm HIV và viêm gan C trong những năm 1970 và 1980.
Một báo cáo dài 2.527 trang của Thẩm phán Brian Langstaff cho thấy vụ bê bối "phần lớn có thể tránh được" và có hành vi che giấu sự thật. Báo cáo điều tra nêu rõ, từ những năm 1970, khoảng 30.000 người Anh đã nhiễm HIV hoặc viêm gan C vì được truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu nhiễm bệnh trong khi "những người có thẩm quyền không đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu". Ước tính khoảng 3.000 người tử vong trong vụ việc nghiêm trọng này.
Ông Des Collins, đối tác cấp cao của công ty luật Collins Solicitors - đại diện cho 1.500 nạn nhân - nhấn mạnh báo cáo này ủng hộ quan điểm mà các nạn nhân đã đưa ra từ nhiều năm trước và chính phủ cần chịu trách nhiệm về vụ bê bối này cũng như những "hành vi sai trái trong cơ quan công quyền".
Trong một vụ việc riêng rẽ, khoảng 50 cựu học sinh của trường Lord Mayor Treloar College ở hạt Hampshire, bờ biển phía Nam của Anh, nơi các nam sinh mắc bệnh máu khó đông được truyền máu nhiễm bệnh vào những năm 1970 và 1980, đang kiện trường này không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc của mình. Theo đơn kiện, trẻ em được sử dụng làm "đối tượng nghiên cứu" trong khi nguy cơ mắc bệnh viêm gan và HIV bị bỏ qua. Trong số các học sinh mắc bệnh máu khó đông theo học tại trường từ năm 1970 đến năm 1987, chỉ có 30 học sinh còn sống.
Trong một tuyên bố trước Hạ viện vào đầu tuần này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã lên án vụ việc tại ngôi trường trên, đồng thời gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân của thảm họa y tế lớn nhất ở Cơ quan y tế quốc gia (NHS). Thủ tướng cũng cam kết sẽ bồi thường toàn diện "bằng bất cứ giá nào".