Hãng tin Reuters: Việt Nam chứng tỏ sự thành công trong ứng phó đại dịch COVID-19

Hãng tin Reuters của Anh ngày 30/4 có bài viết đánh giá cao về cách ứng phó đại dịch viêm đường hô hấp cấp của Chính phủ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Trạm test nhanh COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Bài viết nêu rõ: Từ cuối tháng 1, chỉ vài ngày sau khi kết thúc dịp Tết Nguyên đán, Việt Nam thông báo phát hiện hai trường hợp đầu tiên mắc bệnh COVID-19. Ngay lập tức từ thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam đã liên hệ để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công ty có kinh nghiệm trong lĩnh vực xét nghiệm y tế để tiến hành tầm soát các nguy cơ lây lan.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á - ông Phan Quốc Việt cho biết "Giới chức chính phủ nhấn mạnh rằng Việt Nam cần phải hành động nhanh chóng". Công ty Việt Á là nơi sau đó đã sản xuất bộ xét nghiệm virus mang tên LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.   

Ngay từ ngày 23/1, Việt Nam đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện điều này ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi đó nhấn mạnh không khuyến khích các nước hạn chế đi lại do lo ngại dịch bệnh. Một tuần sau đó, Việt Nam tuyên bố đóng cửa đường biên giới dài 1.400 km với Trung Quốc, và chỉ mở cửa cho các giao thương thiết yếu.

Đến giữa tháng 3, mọi người dân Việt Nam bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, mặc dù WHO khi đó mới khuyến cáo chỉ những người có vấn đề về sức khỏe mới cần đeo khẩu trang và nhiều nước trên thế giới vẫn từ chối sử dụng vật dụng này để phòng dịch COVID-19. Nhiều công ty may mặc của Việt Nam cũng đã chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế và khẩu trang vải để hỗ trợ công tác phòng dịch. 

Đất nước Việt Nam với 96 triệu dân đang chứng tỏ sự thành công trong cuộc chiến chống COVID-19, trong khi nhiều quốc gia khác giàu có hơn và phát triển hơn lại đang chật vật đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Tính đến thời điểm hiện tại, số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam là tương đối thấp - chỉ 270 trường hợp, trong khi không có ca số tử vong. Điều này đặt cơ sở vững chắc cho Việt Nam có thể khôi phục nền kinh tế mau chóng hơn so với hầu hết các quốc gia còn lại.

Các chuyên gia y tế nhận định Việt Nam có được thành công như hiện nay trong cuộc chiến chống COVID-19 là nhờ vào các biện pháp nhanh chóng và quyết liệt ngay từ đầu, như việc hạn chế khách du lịch nhập cảnh, đưa hàng chục nghìn người vào diện cách ly theo dõi sức khỏe, tiến hành xét nghiệm y tế cộng đồng và đưa vào vận hành một hệ thống giám sát những người có nguy cơ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ông Matthew Moore - một quan chức thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết: "Những biện pháp này nghe qua thì rất dễ dàng nhưng trên thực tế lại rất khó thực hiện. Vậy mà họ (Chính phủ Việt Nam) đã rất thành công khi thực hiện chúng, và thực hiện đi thực hiện lại nhiều lần".

Ông Matthew Moore cho biết ông đã trao đổi với Chính phủ Việt Nam về dịch bệnh này kể từ đợt bùng phát hồi đầu tháng 1 vừa qua. Ông nhấn mạnh rằng CDC có "sự tin tưởng rất lớn" đối với cách ứng phó của Chính phủ Việt Nam trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Việt Nam đã gia tăng đáng kể số lượng các phòng thí nghiệm có thể thực hiện các xét nghiệm phát hiện COVID-19, từ mức 3 phòng thí nghiệm từ tháng 1 vừa qua lên 112 phòng thí nghiệm tính đến tháng 4 này. 

Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến hết ngày 29/4, đã có tổng cộng 213.743 xét nghiệm COVID-19 được tiến hành tại Việt Nam, trong đó 270 người cho kết quả dương tính. Hiện Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ xét nghiệm trên mỗi ca dương tính COVID-19. 

Ông Guy Thwaites - Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: "Việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam đã được tổ chức tốt. Những quyết sách mà chính phủ đưa ra được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả trên toàn quốc mà không gây ra quá nhiều tranh cãi". Ông nêu rõ số lượng các ca xét nghiệm dương tính do phòng thí nghiệm nơi ông làm việc hoàn toàn trùng khớp với số liệu cho Chính phủ Việt Nam công bố. 

Trong khi đó, ông Todd Pollack - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Y Harvard, cho biết chưa tới 10% số người mắc COVID-19 ở Việt Nam ở độ tuổi trên 60 tuổi - nhóm tuổi có khả năng tử vong cao nhất do căn bệnh này. Tất cả bệnh nhân đều được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế và được chăm sóc y tế rất tốt.

Thanh Phương  (TTXVN)
Tạp chí Forbes: Tại sao chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến Việt Nam?
Tạp chí Forbes: Tại sao chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến Việt Nam?

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Tạp chí Forbes phiên bản Israel vừa đăng bài viết có tựa đề “Tại sao chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến Việt Nam”, trong đó đánh giá cao thành tựu chính trị, kinh tế, ngoại giao và thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN