Hãng hàng không Qantas của Ôxtrâylia đã bất ngờ tuyên bố đình chỉ tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế trên khắp thế giới kể từ 6 giờ GMT (13 giờ VN) ngày 29/10 nhằm đối phó với các cuộc đình công kéo dài nhiều tuần qua do những tranh chấp giữa ban lãnh đạo hãng với công đoàn lao động.
Hành khách xếp hàng tại quầy đăng ký vé của Qantas ở sân bay quốc tế Changi, Xingapo ngày 29/10. AFP/ TTXVN.
|
Quyết định ngưng tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế hôm 29/10 tác động đến toàn bộ hoạt động vận tải khách và ảnh hưởng tới hoạt động của phi đội gồm 108 máy bay đang hoạt động tại 22 sân bay trên khắp thế giới của Qantas. Những máy bay đang bay trên không vào thời điểm đình chỉ sẽ hoàn tất hành trình, nhưng sẽ không có thêm các chuyến khởi hành, kể cả trong trường hợp máy bay đã được đưa ra đường băng để chờ cất cánh.
Giám đốc điều hành Qantas Alân Giôixê (Alan Joyce) cho biết hãng sẽ chịu phí tổn sắp xếp lại lịch trình cho những hành khách đã đặt chỗ. Theo ước tính, hơn 1.000 hành khách quốc tế có thể đang chờ các chuyến bay được nối lại từ nước ngoài tới Ôxtrâylia, trong khi 13.305 hành khách đã đặt chỗ để bay trên các phi cơ của Qantas từ các sân bay ở nước ngoài đến Ôxtrâylia trong vòng 24 giờ tới.
Cùng với việc dừng mọi chuyến bay từ 6 giờ GMT ngày 29/10, Qantas cũng tuyên bố các nhân viên của hãng sẽ không được trả lương kể từ ngày 31/10 và toàn bộ phi đội của hãng sẽ nằm dưới mặt đất cho đến khi các tổ chức công đoàn đại diện cho phi công, thợ máy và nhân viên mặt đất đạt được thỏa thuận với hãng về tiền lương và những điều kiện làm việc. Ông Giôixê ước tính việc đình chỉ bay toàn bộ phi đội sẽ gây tổn thất cho Qantas 20 triệu AUD (khoảng 21 triệu USD) mỗi ngày.
Quan hệ giữa công đoàn và giới quản lý Qantas bắt đầu xấu đi từ tháng 8/2011 sau khi hãng hàng không này công bố kế hoạch tái cơ cấu và di chuyển một số hoạt động đến châu Á. Nghiệp đoàn của hãng đã tiến hành hàng loạt các cuộc đình công kéo dài trong nhiều tuần qua vì lo ngại vấn đề đảm bảo công ăn việc làm, khiến cho Qantas bị tổn thất tới 68 triệu AUD do 600 chuyến bay đã bị hủy và 70.000 hành khách bị ảnh hưởng.
Qantas chiếm 65% thị phần của thị trường bay nội địa Ôxtrâylia, nhưng đã gặp tổn thất nặng nề trên các chuyến bay quốc tế. Kế hoạch tái cơ cấu trong 5 năm của Qantas dự kiến sẽ làm giảm 1.000 trong tổng số 35.000 việc làm của hãng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc điều hành Qantas Giôixê nói rằng những người đình công đang phá hoại chiến lược và thương hiệu của Qantas và ông buộc phải hành động, đồng thời tuyên bố đây là một cuộc khủng hoảng đối với hãng hàng không này. Ông cho biết nếu các tổ chức công đoàn vẫn tiếp tục đình công như đã cam kết, ban lãnh đạo Qantas không có lựa chọn nào khác ngoài việc từng bước đóng cửa Qantas.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Ôxtrâylia Giulia Gilát (Julia Gillard) khẳng định không có gì đáng ngại khi phải nói với các hành khách VIP rằng họ phải tìm các chuyến bay khác để rời Pớt về nhà. Bà Gilát bày tỏ lo ngại rằng việc này có thể giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp du lịch của Ôxtrâylia.
Bộ trưởng Giao thông Ôxtrâylia Anthôni Anbanixê (Anthony Albanese) cho biết Chính phủ nước này sẽ có hành động can thiệp vào vụ tranh chấp. Ông mô tả hành động của Qantas, vốn chỉ được báo cho ông trước 3 giờ, là "gây thất vọng" và "bất thường". Theo ông, Chính phủ Ôxtrâylia đang chuyển một đề nghị khẩn cấp tới Tòa án lao động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Qantas.
Nhà phân tích hàng không Ôxtrâylia Tôm Balantin (Tom Ballantyne) cho rằng mục đích vụ đình chỉ bay một phần là nhằm lôi kéo chính phủ vào cuộc, nhưng Qantas sẽ chịu thiệt hại không thể cứu vãn nếu kéo dài hành động này thêm một tháng nữa. Trước đó, Qantas từng tuyên bố sẽ đình chỉ công việc của 70.000 nhân viên kể từ ngày 31/10 tới và 600 chuyến bay vào cuối tuần này.
Từ một dịch vụ đưa thư trong vùng sa mạc của Ôxtrâylia cách đây 90 năm, Qantas hiện là một trong 10 hãng hàng không lớn nhất thế giới với một mạng lưới thành công nhất toàn cầu.
TTXVN/Tin Tức