Hàn Quốc tung ra gói hỗ trợ tài chính kỷ lục để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ

Ngày 18/2, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố tiến hành cuộc chiến tổng lực để ứng phó với căng thẳng thuế quan leo ​​thang toàn cầu, đồng thời công bố gói hỗ trợ quy mô lớn cho các doanh nghiệp trong nước đang chịu áp lực ngày càng tăng.

Chú thích ảnh
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok phát biểu tại cuộc họp ở Seoul ngày 27/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trong cuộc họp nội các, quyền Tổng thống Choi Sang-mok cho biết: "Với việc chính quyền mới của ông Trump kích hoạt cuộc chiến thuế quan, Hàn Quốc đang phải đối mặt với bất ổn ngày càng tăng trong mặt trận xuất khẩu. Chúng ta hiện đang trong một 'cuộc chiến thương mại toàn diện'. Từ thời điểm này, cách một quốc gia phản ứng với cuộc chiến thương mại do Mỹ dẫn đầu sẽ định hình tương lai của quốc gia đó".

Ông Choi đã triệu tập cuộc họp chính phủ với các bộ chủ chốt để vạch ra các chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này. Tại cuộc họp, chính phủ Hàn Quốc đã trình bày "chiến lược xuất khẩu khẩn cấp" của mình, một chương trình toàn diện được thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với mức thuế quan leo ​​thang toàn cầu.

Trọng tâm của kế hoạch này là gói hỗ trợ tài chính thương mại kỷ lục trị giá 366.000 tỷ won (253 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mục tiêu giảm chi phí bảo hiểm thương mại, nâng hạn mức bảo lãnh vay và mở rộng phạm vi hỗ trợ.

Một khoản kinh phí 8.500 tỷ won bổ sung sẽ được phân bổ để giảm thiểu rủi ro từ biến động của tỷ giá hối đoái. Trong đó, 4.000 tỷ won sẽ được dùng cho các khoản bảo lãnh vay cho nhập khẩu nguyên liệu thô thiết yếu. Bảo hiểm rủi ro ngoại hối cũng sẽ tăng gấp đôi lên mức 3.000 tỷ won. Khoản 1.500 tỷ won được dành cho chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái cao.

Sự tham gia của khu vực tư nhân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng. Các ngân hàng thương mại, khu vực và trực tuyến lớn sẽ giới thiệu, cung cấp các gói sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng giá trị 2.350 tỷ won. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn sẽ hợp tác với các tổ chức nhà nước triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính. Trong đó, các tập đoàn sẽ hợp tác với Tập đoàn Bảo hiểm thương mại Hàn Quốc triển khai gói bảo lãnh "chuỗi hỗ trợ xuất khẩu" nhằm cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, các tập đoàn cũng sẽ hợp tác với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cung cấp tài khoản trợ chung 3.000 tỷ won với lãi suất ưu đãi cho các nhà cung cấp của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Làn sóng chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng tại các thị trường chính của Hàn Quốc như Mỹ và Trung Quốc. Để ứng phó, kế hoạch trên cũng hướng đến mục tiêu đa dạng hóa xuất khẩu, tập trung vào các thị trường mới nổi ở Nam Toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc việc thành lập hoặc tăng cường năng lực của 14 văn phòng ở nước ngoài, bao gồm các văn phòng mới của Cơ quan Xúc tiến Đầu tư - Thương mại Hàn Quốc tại Mexico và Gruzia ở Đông Âu, cũng như các văn phòng của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc tại Brazil, Nam Phi và Việt Nam. Ngoài ra, một khoản 55.000 tỷ won sẽ được phân bổ dành cho tài trợ chính sách thông qua bảo hiểm thương mại cho thị trường Nam Bán cầu.

Chính phủ Hàn Quốc đang tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực quảng bá cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn ngân sách tiếp thị kỷ lục trị giá 1.200 tỷ won. Trong đó, 70% nguồn này sẽ được phân bổ trong nửa đầu năm để tài trợ cho 144 triển lãm và sự kiện tư vấn cho khoảng 8.000 doanh nghiệp.

Năm 2024, Hàn Quốc đạt mức xuất khẩu kỷ lục là 683,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong các lĩnh vực như chất bán dẫn - đạt mức xuất khẩu kỷ lục 141,9 tỷ USD và ô tô - vượt quá mức 70 tỷ USD trong năm thứ 2 liên tiếp.

Triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 được đánh giá là sẽ kém lạc quan hơn khi dự báo sẽ chịu những thách thức ngày càng tăng về lãi suất cao và biến động tiền tệ. Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành hoặc xem xét áp đặt thuế bao bổ sung tới các đối tác Mexico, Canada, Trung Quốc và mặt hàng chính gồm thép, nhôm đang khiến tình hình thêm phần trầm trọng. Các kế hoạch hoạch mở rộng các mức thuế quan bổ sung của ông Trump sang các lĩnh vực như ô tô và chất bán dẫn cũng được nhận định sẽ tiếp tục làm tăng thêm sự bất ổn.

Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn đối với quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc, khi ngày càng có nhiều lo ngại về sự chững lại của thị trường bán dẫn toàn cầu do giá chip nhớ và nhu cầu giảm. Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo rằng nửa đầu năm nay sẽ là giai đoạn then chốt, "thời điểm vàng cuối cùng" để nước này vượt qua khủng hoảng và duy trì đà xuất khẩu.

Trong cuộc họp nội các, quyền Tổng thống Choi nhấn mạnh những nỗ lực chung giữa khu vực công và tư trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại Hàn Quốc - Mỹ. Ông cho biết rằng một phái đoàn gồm các giám đốc điều hành từ 20 tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Mỹ bắt đầu từ ngày 19/2 để đặt nền móng cho các cuộc đàm phán chính thức của chính phủ.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Korea Herald)
Bất ổn thuế quan của Mỹ tiếp tục đẩy giá vàng tăng
Bất ổn thuế quan của Mỹ tiếp tục đẩy giá vàng tăng

Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên 18/2, khi sự bất ổn về kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chi phối tâm lý thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN