Người tiêu dùng học cách mua sắm trong thời đại thuế quan của Tổng thống Trump

Việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế với nhiều sản phẩm nhập khẩu cũng như đang lên kế hoạch mở rộng chính sách thuế quan đang khiến người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp Mỹ gặp không ít khó khăn và đang phải dần tìm cách để thích nghi.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cô Jolene Beam, một giáo viên mầm non 27 tuổi, sẽ kết hôn vào tháng 6 sắp tới. Cô đã bắt đầu tiến hành việc sắm sửa cho ngôi nhà mới sau đám cưới. Tuy nhiên, việc này được cô đẩy nhanh hơn sau khi nắm được thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan bổ sung với hàng nhập khẩu.

Cô cho biết: “Hãy tính toán đi, số tiền đó sẽ hiển thị trong hóa đơn của bạn đấy. Tôi đã mua một cái TV, hai tấm nệm, gối, đồ nấu ăn và đèn. Tôi sẽ giữ chúng trong tầng hầm nhà bố mẹ tôi cho đến khi căn hộ của chúng tôi hoàn thiện”. "Tôi đã mua một chiếc ô tô vào năm ngoái, nếu không thì tôi đã vội vã đi mua luôn rồi", cô Beam nói thêm và đang cân nhắc đặt hàng một chiếc ghế sofa và một bộ bàn ăn.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Trump, tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đều phải chịu mức thuế bổ sung 10% kể từ ngày 4/2. Các nhà kinh tế cho rằng việc các nhà bán lẻ chuyển khoản thuế quan bổ sung mà họ phải đóng sang cho khách hàng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Shein, Temu và AliExpress của Alibaba, phục vụ hàng triệu người tiêu dùng Mỹ có ngân sách eo hẹp, đã chuẩn bị tinh thần cho một cú sốc không khác gì với chính công dân nước này. Các mặt hàng sẽ phải tăng giá theo sắc lệnh thuế quan mới và các nền tảng thương mại cũng đối diện với nguy cơ ít được người tiêu dùng truy cập và mua hàng hơn.

Trên thực tế, trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 2/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thừa nhận rằng thuế quan có thể gây ra "một số đau đớn" cho người Mỹ. Nhưng ông cho biết tầm nhìn rộng hơn của ông đối với đất nước "sẽ xứng đáng với cái giá phải trả".

Bà Ronna Kurecki, một kế toán viên đã nghỉ hưu 68 tuổi, cho biết bà đã mua quần áo, dụng cụ làm vườn và đồ chơi cho các cháu của mình trên Shein trong hơn hai năm. "Họ có những ưu đãi tốt nhất cho mọi loại hàng hóa", bà nói. Bà cho biết đã không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về giá cả hàng hóa trên trang web. Nhưng một số báo cáo của truyền thông Mỹ cho biết cả Shein và Temu đều đã tăng giá một số mặt hàng.

Trong khi đó, bà Kurecki, một thành viên đảng Dân chủ lâu năm đến từ bang Virginia, thừa nhận đã bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024. Bà cho biết đã bỏ phiếu chủ yếu vì lời cam kết sẽ hạ giá cả sản phẩm trong nước vào ngày đầu tiên ông Trump nhậm chức. Khi được hỏi liệu có hối hận vì đã bỏ phiếu cho ông Trump thì bà đã nói: "Không, tôi tin là ông ấy sẽ làm đúng với chúng ta. Hãy cho ông ấy thời gian, ông ấy là một doanh nhân, ông ấy đang làm điều gì đó. Trung Quốc sẽ sớm thấy rằng họ không thể tiếp tục làm khó người Mỹ. Và nếu không, chúng ta có thể tự làm kéo và bình tưới nước”.

Bà thừa nhận rằng các sản phẩm sản xuất tại Mỹ đắt hơn so với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc nhưng cũng cho biết: "Bạn phải làm những gì bạn phải làm, có lẽ đó là động lực tôi cần để ngừng mua những thứ tôi không cần. Chúng ta là người Mỹ, chúng ta sẽ tìm ra cách".

Nhiều người xem rằng thái độ của bà Kurecki dường như là rất dũng cảm khi xét đến số lượng lớn hàng hóa Trung Quốc ở trong ngôi nhà của người dân Mỹ. Quần áo, giày dép, đồ chơi, máy chơi game, điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay và nhiều mặt hàng khác từ Trung Quốc. Những thứ này trong thời gian tới sẽ có khả năng trở nên đắt hơn do thuế quan.

Ước tính hàng năm, Mỹ đang nhập khẩu một lượng hàng hóa trị giá tới 450 tỷ USD từ Trung Quốc. Do đó, mức thuế quan bổ sung 10% sẽ khiến các nhà nhập khẩu phải tốn thêm chi phí ít nhất 45 tỷ USD trong thời gian tới.

Ngoài khoản thuế trên, ông Trump cũng đề xuất mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ ngày 12/3. Các mức thuế này sẽ áp dụng đối với khối lượng hàng nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD. Mỹ nhập khẩu khoảng 1/4 nhu cầu thép của nước này, phần lớn có nguồn gốc từ Canada và Mexico, cùng với Brazil, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Trump cho biết thuế quan sẽ giúp các nhà sản xuất Mỹ khi các công ty này đang chịu sức ép từ thép Trung Quốc giá rẻ được chính phủ trợ cấp. Việc này cũng khuyến khích các công ty nước ngoài xây dựng nhà máy mới tại Mỹ để tránh phải trả thuế. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể chuyển sang lựa chọn các sản phẩm sản xuất tại Mỹ thay vì phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu.

Vấn đề là hơn một nửa lượng nhôm được sử dụng ở Mỹ đến từ các nhà sản xuất tại Canada - nơi có nguồn thủy điện giá rẻ dồi dào cần thiết để sản xuất hợp kim. Khi thuế quan được áp dụng, các nhà sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị quân sự và máy bay của Mỹ chắc chắn sẽ phải chịu thiệt hại. Trong đó, nhôm được xem là kim loại chiếm phần lớn trọng lượng của máy bay. Về vật dụng hàng ngày thì ngay một lon nước ngọt có vỏ làm từ nhôm cũng sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến túi tiền của người dân.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, để sản xuất một chiếc ô tô cần trung bình khoảng nửa tấn thép, do đó mức thuế 25% với hợp kim này có thể khiến chi phí sản xuất mỗi chiếc xe bị đội lên hơn 1.000 USD. Giá ô tô có thể tăng mạnh hơn nữa nếu mức thuế 25% được áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada – mức thuế mà hiện đang tạm dừng trong vòng 30 ngày để các quan chức các bên tiến hành đàm phán.

Theo công ty phân tích dữ liệu S&P Global Mobility, nếu tất cả các mức thuế quan bổ sung trên được áp dụng thì người dân Mỹ sẽ phải bỏ thêm khoảng 6.250 USD vào mức giá trung bình 25.000 USD của một chiếc ô tô được nhập khẩu từ Canada và Mexico.

Năm 2018, khi ông Trump lần đầu áp thuế đối với sản phẩm sắt và thép thì công ty Mỹ Caterpillar, sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất thế giới, đã tăng giá để bù vào chi phí phát sinh hơn 100 triệu USD.

Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson, việc áp dụng mức thuế 25% đối với hầu hết hàng hóa từ Canada và Mexico (trừ năng lượng của Canada phải chịu mức thuế 10%), cùng với mức tăng 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, sẽ khiến một hộ gia đình cơ bản tại Mỹ sẽ phải tăng chi tiêu thêm hơn 1.200 USD mỗi năm.

Tuy nhiên, điều này chưa phải là tất cả khi Tổng thống Trump còn có kế hoạch áp thuế “có đi có lại” với nhiều quốc gia khác dự kiến vào tháng 4 tới. Ông Trump đã ra lệnh cho các quan chức trong nội các nghiên cứu cách thức nước này nên áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm trong trường hợp một quốc gia khác áp thuế cao hơn đối với hàng hóa của Mỹ.

Phát biểu ngày 16/2, Tổng thông Trump đã nói: “Nếu họ tính phí chúng tôi, chúng tôi sẽ tính phí họ… mọi quốc gia. Nếu họ tính phí chúng tôi 130% và chúng tôi không tính phí họ, thì tình hình (thời gian tới) sẽ không tiếp tục như vậy nữa”.

Trong báo cáo nghiên cứu ngày 10/2, các nhà kinh tế của Deutsche Bank cho biết thuế thép và nhôm cộng với thuế quan có đi có lại có thể thúc đẩy chỉ số giá tiêu tiêu dùng thêm 0,4 điểm phần trăm. Nếu áp dụng thêm mức thuế quan với Mexico và Canada như sắc lệnh trước đó của ông Trump thì lạm phát có thể tăng cao hơn 3,5%.

Khi chịu thuế quan, các công ty Mỹ có thể sẽ phải cắt giảm tiền lương hoặc lợi nhuận đối với cổ đông. Về lâu dài, “canh bạc” của Tổng thống Trump chỉ có thể thành công nếu ngành sản xuất của Mỹ phục hồi.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Newsweek)
Mối lo thuế quan 'hạ nhiệt', thị trường chứng khoán châu Á 'đổi chiều'
Mối lo thuế quan 'hạ nhiệt', thị trường chứng khoán châu Á 'đổi chiều'

Thị trường chứng khoán châu Á tăng nhẹ trong phiên chiều 17/2, khi tâm điểm chú ý tiếp tục đổ dồn vào nhóm cổ phiếu công nghệ trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN