Hàn Quốc trở thành nhân tố trung gian, kiến tạo cơ hội chưa từng có

Có thể nói hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên đang diễn ra tại Singapore một lần nữa tô đậm vai trò của Hàn Quốc như một nhân tố tạo thay đổi, thúc đẩy cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như làm tăng triển vọng về một Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 11/6 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ để thảo luận về những diễn biến liên quan tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/ TTXVN

Giới phân tích cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã làm việc như một "nhà trung gian hòa giải" thông qua tài ngoại giao linh hoạt của mình. Để tạo nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim và sau đó là cứu vãn cuộc gặp này, Tổng thống Hàn Quốc đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un hai lần cũng như gặp Tổng thống Trump trong tháng 5, cùng với việc nhóm an ninh của ông Moon Jae-in duy trì tiếp xúc hàng ngày với những người đồng cấp Mỹ.

Việc lần đầu tiên trong kỷ nguyên hiện đại, Hàn Quốc, chứ không phải một quốc gia lớn trong khu vực, dẫn đầu đà thay đổi quan trọng được giáo sư Balbina Hwang thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) đánh giá như diễn biến thú vị nhất trong "bản nhạc an ninh" Đông Bắc Á lần này.

Trong khi đó, diễn ra chỉ một ngày trước khi Hàn Quốc tổ chức các cuộc bầu cử địa phương nên hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều thu hút sự chú ý đặc biệt của các đảng phái chính trị tại "xứ Kim chi". Các đảng chính trị tại Hàn Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên để đánh giá ảnh hưởng của sự kiện này đối với quá trình thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như các cuộc bầu cử địa phương sắp tới.

Đảng Dân chủ cầm quyền (DP) và nhiều đảng nhỏ khác tỏ ra lạc quan về kết quả hội nghị và hy vọng sự kiện này sẽ góp phần đặt nền móng hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn DP Park Beom-kye hy vọng hai bên sẽ đạt thỏa thuận thúc đẩy thiết lập cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Đảng vì hòa bình và dân chủ đối lập cũng cho rằng hội nghị lần này có vai trò quan trọng trong quá trình mang lại nền hòa bình lâu dài trên bán đảo.

Tuy nhiên, đảng đối lập chính Tự do (LKP)  nhấn mạnh các bên tham dự hội nghị cần đạt một thỏa thuận phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược". Trong khi đó, đảng Bareun (Tương lai) thì cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên phải vạch ra các kế hoạch phi hạt nhân hóa một cách chi tiết với thời hạn vô hiệu hóa chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng một cách cụ thể.

Sau cuộc hội đàm riêng rẽ, hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các phụ tá đang tham dự cuộc hội đàm song phương mở rộng thảo luận về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.

TTXVN/Báo Tin tức
Tổng thống Hàn Quốc hy vọng về thành công của thượng đỉnh Mỹ - Triều
Tổng thống Hàn Quốc hy vọng về thành công của thượng đỉnh Mỹ - Triều

Ngày 12/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ thành công tốt đẹp để mở ra một kỷ nguyên mới hòa bình và phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN