Căn cứ quy định giãn cách xã hội mức II trên toàn quốc và mức II tăng cường ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận, người dân thủ đô Seoul sẽ phải hạn chế ra đường. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 30/8, tất cả các quán ăn thông thường ở Seoul và vùng phụ cận phải đóng cửa sau 21 giờ; các quán ăn, nhà hàng xếp chỗ ngồi giới hạn 3 người/bàn và giữ khoảng cách phù hợp.
Để ngăn chặn trường hợp người dân tập trung tại các khu phố có nhiều hàng quán hay quán cóc ven đường, chính quyền thành phố Seoul cũng quy định hạn chế người dân tụ tập đông người tại tất cả các loại hình quán ăn, nhà hàng. Các cơ sở thể dục thể thao trong nhà như: trung tâm thể hình, phòng chơi bi-a, phòng tập golf bị cấm hoạt động.
Các cơ sở được đăng ký là ngành nghề tự do như sân bóng bàn, phòng tập Pilates, vốn là những "điểm mù" trong công tác phòng dịch, cũng phải tạm ngừng hoạt động. Các địa điểm phục vụ luyện tập thể thao ngoài trời cũng treo biển ngừng phục vụ. Bắt đầu từ ngày 31/8, các tuyến xe buýt nội đô ở Seoul giảm 20% số chuyến hoạt động vào ban đêm.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã thông báo kéo dài thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội mức II thêm một tuần, theo đó tạm ngừng cho binh sĩ nghỉ phép từ ngày 19/8 sẽ tiếp tục kéo dài tới ngày 6/9. Đây là lần thứ hai trong năm quân đội Hàn Quốc ngừng toàn diện việc cho binh sĩ nghỉ phép, sau lần đầu tiên thực hiện trong 11 tuần, từ ngày 22/2 đến 7/5 vừa qua. Theo thông báo, cuộc kiểm tra thể lực định kỳ cho binh sĩ cũng đã bị hủy. Cuộc tập trận mùa hè của Hải quân, cụ thể là bơi chiến đấu, cũng đã bị cấm.
Do số ca lây nhiễm tập thể tiếp tục gia tăng, tỷ lệ vận hành giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại Seoul và vùng phụ cận đã vượt quá 75%. Chính quyền thành phố đang nỗ lực đảm bảo thêm hơn 1.200 giường bệnh tại các bệnh viện công và cả bệnh viện tư, và có kế hoạch tăng thêm hơn 1.000 giường bệnh tại các trung tâm điều trị cho bệnh nhân thể nhẹ.
Quyền Thị trưởng Seoul Seo Jeong-huyp ngày 30/8 kêu gọi người dân thành phố "hợp tác phòng dịch, tạm thay đổi lối sống thường nhật trong vòng một tuần tới" để góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố cùng ngày cho thấy, trong số 238 ca nhiễm mới trong cộng đồng, Thủ đô Seoul và vùng phụ cận ghi nhận 183 ca (chiếm 76,8%). Số ca nhiễm liên quan đến Nhà thờ Sarang Jeil ở Seoul đã lên tới con số 1.000 người và làm hình thành 25 ổ lây nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó có 9 tỉnh thành phố trên cả nước.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc hiện đặc biệt lo ngại về số trường hợp lây nhiễm mới "không thể theo dõi" ngày càng tăng. Trong số các trường hợp được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 từ ngày 17 đến ngày 30/8 vừa qua, có tới 21,5% không xác định được hình thức lây nhiễm. Theo giới chức y tế cấp cao Hàn Quốc, mục tiêu của nước này là duy trì xu hướng giảm ca nhiễm mới và tăng cường hệ thống cách ly để kiểm soát tình hình lây lan của dịch bệnh.
Tại New Zealand, các trường học và cơ sở kinh doanh tại thành phố Aukland đã mở cửa trở lại ngày 31/8, sau khi lệnh phong tỏa thành phố được dỡ bỏ. Tuy nhiên, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong phạm vi thành phố.
New Zealand được đánh giá đã thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh mới bùng phát tại Auckland đã khiến chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa hồi đầu tháng này nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thủ tướng Jacinda Ardern đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa này vào ngày 30/8, song người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, việc tụ tập ở những nơi công cộng trong thành phố vẫn bị hạn chế, trong khi những khu vực khác tại New Zealand hiện vẫn ở mức độ cảnh báo 2, theo đó người dân phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.
New Zealand ngày 31/8 thông báo có thêm 9 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.387 ca, trong đó có 22 ca tử vong.
Trong khi đó, tại khu vực Mỹ Latinh, Tổng thống Peru Martin Vizcarra ngày 30/8 đã kêu gọi 32 triệu người dân nước này tiếp tục duy trì cảnh giác, trong bối cảnh dịch bệnh làm hệ thống y tế của nước này rơi vào tình trạng quá tải.
Theo Tổng thống Vizcarra, dịch bệnh diễn biến xấu đi tại Peru do người dân lơ là trong việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa, trong đó có lệnh giới nghiêm. Người dân vẫn tới các câu lạc bộ ban đêm, tổ chức tiệc mừng sinh nhật..., không tuân thủ các quy định và khuyến cáo phòng dịch của các cơ quan y tế.
Cho đến nay, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 28.600 người tại Peru.