Theo hãng tin Reuters (Anh), giống như nhiều quốc gia giàu có khác, Nhật Bản đang ký kết hàng loạt thỏa thuận mua vaccine ngừa COVID-19 đủ loại vì họ sợ một số loại vaccine có thể thất bại trong thử nghiệm lâm sàng hoặc đề phòng mỗi người dân có thể phải tiêm hơn một liều vaccine.
Tuy nhiên, ngoài việc bảo vệ sức khỏe cho người dân, Nhật Bản còn hướng tới mục tiêu khác khi triển khai tiêm vaccine đại trà. Đó là hàng nghìn vận động viên và người hâm mộ sẽ đến Tokyo tham dự Thế vận hội Olympic năm 2021, sau khi sự kiện này đã bị hoãn lại vào năm nay do đại dịch COVID-19.
Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản đang làm việc với ban tổ chức Olympic về cách tiến hành Thế vận hội và việc đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vaccine.
“Vaccine có thể sẽ được sản xuất trong khoảng thời gian từ cuối năm nay đến tháng ba năm sau. Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn tổ chức Thế vận hội Olympic bằng mọi giá”, ông Suga cho biết.
Gần đây, Nhật Bản đã thỏa thuận với nhiều nhà sản xuất, bao gồm các thỏa thuận toàn cầu với các công ty như Pfizer và AstraZeneca, cũng như các thỏa thuận với các công ty địa phương như Shionogi & Co.
“Chúng tôi phải đặt cược đồng đều để tránh trường hợp không nhận được gì”, ông Tomoya Saito, Giám đốc Viện Y tế Công cộng Quốc gia Nhật Bản, cho biết.
Một số nhà phê bình cho rằng việc Nhật Bản gấp rút đảm bảo nguồn cung vaccine phần lớn là do mong muốn chính trị để thế giới thấy rằng họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho Thế vận hội.
Ông Michael Cucek, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple (Nhật Bản) cho biết: “Kế hoạch này là hy vọng vào một điều kỳ diệu và sau đó tận dụng điều kỳ diệu đó. Nhưng thời gian để đạt được phép màu đang ngày càng ngắn lại”.
Các quan chức Bộ Y tế và nội các đã không trả lời các câu hỏi về việc liệu nỗ lực bảo đảm vaccine phòng dịch COVID-19 của Nhật Bản có liên quan đến việc tổ chức Thế vận hội hay không.
Dự kiến, sẽ có khoảng 11.000 vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic năm 2021. Với số lượng đông đảo này, ông Kenji Shibuya, Giám đốc Viện Sức khỏe Dân số tại Đại học King’s College London, cho rằng việc tổ chức Thế vận hội đòi hỏi cần có “số lượng lớn vaccine hiệu quả”.
Việc tổ chức Thế vận hội trong đại dịch sẽ là một thách thức lớn về mặt hậu cần, vì các vận động viên sẽ phải tập luyện và di chuyển đến nhiều sự kiện. Bên cạnh đó, việc đón tiếp hàng chục nghìn người hâm mộ cũng trở nên vô cùng khó khăn ở thời điểm mà nhiều quốc gia có khả năng vẫn đang phải gồng mình đối phó với dịch bệnh. Trong khi đó, Nhật Bản hiện vẫn áp lệnh cấm đi lại với trên 140 quốc gia.
Ngay cả khi có đủ lượng vaccine cần thiết, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với thách thức tiêm chủng cho các vận động viên và du khách quốc tế trước hoặc sau khi hạ cánh xuống Nhật Bản.
“Một vấn đề vô cùng quan trọng đối với công tác tổ chức Olympic là khi đã có đủ vaccine thì việc phân bổ chúng sẽ được thực hiện ra sao. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản và cũng để chào đón các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới”, Thị trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike, cho biết.
Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết tăng năng suất thử nghiệm vaccine lên 200.000 người mỗi ngày cùng với việc đảm bảo nguồn cung vaccine. Vào ngày tuyên bố từ chức, ông Abe cũng tìm cách trấn an người hâm mộ trong và ngoài nước rằng virus SARS-CoV-2 đang được kiểm soát.
Ông cam kết có đủ vaccine cho Nhật Bản vào giữa năm 2021 và cho biết quốc gia này sẽ nới lỏng lệnh cấm đi lại kể từ ngày 1/9. Kể từ ngày 1/9, những người không phải là công dân Nhật Bản và những người có thị thực có thể rời khỏi đất nước và trở lại nước này, khi được cho phép trước đó. Họ cũng phải chứng minh kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khi nhập cảnh vào Nhật Bản.