Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-Hyuck. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong một tuyên bố ra ngay sau khi nghị quyết trên được 15 nước ủy viên HĐBA thông qua, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ Chính phủ nước này hoan nghênh việc HĐBA LHQ nhất trí thông qua nghị quyết 2371 nhằm đáp lại các hành động khiếu khích bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong các ngày 4/7 và 28/7 vừa qua.
Tuyên bố cũng cho biết Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng coi trọng lời cảnh báo của quốc tế và ngừng ngay các hành động khiêu khích liều lĩnh, đi theo con đường đối thoại để đạt được phi hạt nhân hóa và hòa bình.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ cùng với cộng đồng quốc tế thực thi nghiêm chỉnh nghị quyết mới nhất này cũng như các nghị quyết đã được thông qua trước đó, tiếp tục các nỗ lực nhằm đạt được việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách cơ bản và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc cho rằng nghị quyết mới đã đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn hệ thống giúp Triều Tiên có được các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định Washington "đang và sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp phòng thủ thận trọng nhằm bảo vệ bản thân và các đồng minh" khỏi mối đe dọa từ Triều Tiên.
Phát biểu tại HBĐA LHQ sau khi cơ quan này áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, bà Nikki nhấn mạnh rằng các nước cần có thêm hành động vì mối đe doạ Triều Tiên đang nhanh chóng trở nên nguy hiểm hơn.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Khiết Trì đã kêu gọi Triều Tiên "dừng các hành động có thể khiến căng thẳng leo thang". Ông cũng kêu gọi dừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, và dỡ bỏ các bộ phận liên quan.
Trước đó, đêm 5/8, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, theo đó bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản.
Ngoài ra, nghị quyết này còn cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài hiện nay, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với quốc gia này. Dự đoán, các biện pháp trừng phạt này có thể làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD hàng năm.
Những biện pháp trên được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc và là lệnh trừng phạt đầu tiên ở quy mô như vậy đối với Triều Tiên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, nêu bật sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng.
Hiện Triều Tiên chưa đưa ra phản ứng chính thức nào trước lệnh trừng phạt mới của HĐBA LHQ.