Hiện Hàn Quốc đang triển khai chương trình tiêm phòng bệnh cúm miễn phí. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại của người dân Hàn Quốc về mức độ an toàn của các loại vaccine phòng cúm đã gia tăng sau khi ít nhất 48 người nước này tử vong trong tháng này sau khi tiêm vaccine. Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết không có bằng chứng về mối liên hệ giữa các ca tử vong này và việc tiêm phòng cúm.
Phát biểu tại hội thảo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết lợi ích của tiêm phòng nhiều hơn tác dụng phụ mà vaccine có thể gây ra. Điều này được cả WHO và các chuyên gia trong và ngoài nước công nhận.
Liên quan tới việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm, Singapore đã quyết định tạm dừng sử dụng 2 loại vaccine của Hàn Quốc và Pháp.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, các cơ quan y tế Singapore gồm Bộ Y tế (MOH) và Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) ngày 25/10 đã khuyến cáo tạm dừng sử dụng hai loại vaccine phòng cúm SKYCellflu Quadrivalent và Vaxigrip Tetra sau khi Hàn Quốc ghi nhận một số ca tử vong sau khi tiêm phòng.
Hiện Singapore chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan việc tiêm phòng loại vaccine này, tuy nhiên việc tạm dừng sử dụng là biện pháp phòng ngừa. HSA đang đánh giá các trường hợp tử vong được thông báo ở Hàn Quốc. Các loại vaccine phòng cúm khác tại Singapore vẫn được phép sử dụng.
Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết có 7 nhãn hiệu vaccine có liên quan, trong đó có 2 nhãn hiệu đang được lưu hành tại Singapore gồm SKYCellflu Quadrivalent do SK Bioscience (Hàn Quốc) sản xuất và AJ Biologics phân phối, VaxigripTetra do Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất và được công ty Sanofi Aventis phân phối tại thị trường Singapore.