Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, tính đến trưa 22/10, ít nhất 17 người đã tử vong sau khi tiêm vaccine phòng cúm trong những ngày gần đây.
Trước đó, Hàn Quốc đang đẩy mạnh chương trình tiêm phòng cúm miễn phí cho khoảng 19 triệu dân, bao gồm thanh thiếu niên và người cao tuổi nhằm ngăn ngừa "đại dịch kép".
"Đã có thêm nhiều trường hợp tử vong được báo cáo nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, không có mối liên hệ trực tiếp giữa các trường hợp tử vong và việc tiêm chủng", Jeong Eun-kyeong - Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) – phát biểu trong một phiên điều trần tại quốc hội.
Giám đốc Jeong Eun-kyeong nhấn mạnh rằng các lực lượng chức năng đang điều tra kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân chính xác dẫn đến các trường hợp tử vong, cũng như điều tra dịch tễ học, bao gồm khám nghiệm tử thi.
Theo KDCA, trong số 9 trường hợp tử vong được phát hiện trước ngày 22/10, hai trường hợp có thể liên quan đến hiện tượng sốc phản vệ - phản ứng nghiêm trọng của cơ thể xảy ra sau khi tiêm chủng.
Chương trình tiêm chủng miễn phí - được mở rộng trong năm nay với nỗ lực ngăn chặn đại dịch cúm xảy ra trong mùa đông – đã huy động 5 nhà sản xuất thuốc lớn tham gia, trong đó có GC Pharma và Ilyang Pharmaceutical Co.
Ông Jeong cho biết vaccine tiêm cho những người đã tử vong do 5 công ty sản xuất và tất cả đều có số sê-ri khác nhau. Đây là bằng chứng bác bỏ cáo buộc về các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo cũng tìm cách xoa dịu dư luận đang lo lắng về những rủi ro khi tiêm phòng cúm, nhấn mạnh chương trình tiêm phòng miễn phí sẽ được tiến hành theo kế hoạch.
Ca tử vong đầu tiên liên quan đến việc tiêm vaccine phòng cúm được báo cáo vào ngày 16/8. Nạn nhân là một người 17 tuổi ở thành phố cảng Incheon, qua đời hai ngày sau khi tiêm vaccien phòng cúm. Các trường hợp tử vong tương tự sau đó đã được báo cáo, chủ yếu là ở những người cao tuổi. Hầu hết đều mắc bệnh lý nền.
Các chuyên gia cho biết còn quá sớm để quyết định liệu có nên ngừng tiêm phòng cúm hay không.