Hàn Quốc giải mật hồ sơ về quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều

Ngày 6/4, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố các tài liệu mới được giải mật về quan hệ ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên vào năm 1992.

Theo hãng tin Yonhap, hồ sơ gồm chủ yếu các tài liệu từ năm 1992, dài khoảng 360.000 trang về các cuộc thảo luận giữa Washington và Bình Nhưỡng trong bối cảnh không khí hòa giải đang bao trùm Bán đảo Triều Tiên khi đó với việc thông qua Thỏa thuận cơ bản liên Triều và Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vào cuối năm 1991. Tuy nhiên, Washington và Bình Nhưỡng đã không thu hẹp được bất đồng liên quan các cuộc thanh sát hạt nhân và cuối cùng không đạt được tiến triển nào. Cuối tháng 3/1993, Triều Tiên công bố ý định rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đánh dấu sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên ở Triều Tiên.

Theo hồ sơ, vào tháng 3/1992, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương khi đó là ông Richard Solomon đã nói với Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang-ok rằng trong cuộc họp Washington-Bình Nhưỡng được tổ chức hai tháng trước đó ở New York (Mỹ), Triều Tiên dường như đã công nhận các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc là nhân tố ổn định. Cuộc gặp vào tháng 1/1992 ở New York giữa ông Kim Yong-sun, nhân vật thân cận của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, đồng thời là người phụ trách các vấn đề quốc tế của đảng Lao động Triều Tiên, và Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó, ông Arnold Kanter cũng là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước.

Ngoài ra, các tài liệu cũng bao gồm những lời tường thuật trực tiếp của các nhà ngoại giao từ các cơ quan đại diện của Hàn Quốc và Triều Tiên ở Somalia, khi họ hợp tác để chạy thoát khỏi cuộc nội chiến tại quốc gia châu Phi này vào năm 1991.

Đặng Ánh (TTXVN)
Chuyên gia đề xuất biện pháp tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên
Chuyên gia đề xuất biện pháp tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên

Ngày 22/2, hãng tin Yonhap dẫn lời các chuyên gia Mỹ nhận định nước này đã đúng khi theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, song cần cân nhắc thay đổi phương thức để đạt được mục tiêu này. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ có thể hoặc nên cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để thúc đẩy đối thoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN