Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt ngưỡng 500 lần đầu tiên sau 8 tháng 

Ngày 26/11, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố thêm 583 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này, trong đó chủ yếu là ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc ở Hàn Quốc lên 32.318 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 6/3 vừa qua Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt ngưỡng 500 ca.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số liệu của KDCA cũng cho thấy Hàn Quốc có thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 515 ca. Tỷ lệ tử vong hiện là 1,59%. 

Cơ quan Y tế Hàn Quốc đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát trước kỳ thi đại học trên toàn quốc dự kiến diễn ra ngày 3/12 tới. Tuy nhiên, các ổ lây nhiễm tập thể bùng phát rải rác trên cả nước bắt nguồn từ các hoạt động thường ngày của người dân như tụ họp tại các cơ sở công cộng, bệnh viện và cả trong quân đội đang cản trở nỗ lực phòng dịch.

Để ứng phó tốt hơn với tình trạng gia tăng số ca mắc mới hằng ngày, KCDA đã quyết định nâng mức giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) lên cấp độ 2 - mức cao thứ 3 trong hệ thống 5 cấp vừa sửa đổi - kể từ ngày 24/11 vừa qua. Các tỉnh, thành phố khác trên cả nước cũng đang thực thi điều chỉnh quy định giãn cách xã hội căn cứ theo tình hình dịch bệnh tại địa phương. 

Trước đó, ngày 25/11, Ủy ban Đối sách phòng dịch trung ương thuộc KCDA đã công bố hướng dẫn sửa đổi về phòng dịch mà các cá nhân và tổ chức phải tuân thủ. Theo đó, các quy tắc phòng dịch cá nhân gồm đeo khẩu trang và giãn cách; khi ốm mệt phải đi xét nghiệm, ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác; rửa tay 30 giây, dùng khuỷu tay che miệng khi ho; thông gió phòng trên 3 lần/ngày, định kỳ khử trùng. Khác với hướng dẫn trước đây, hướng dẫn mới bổ sung quy định bắt buộc đeo khẩu trang và số lần phải thông gió trong phòng.

Bên cạnh đó, hướng dẫn mới phân loại 5 loại hình cơ sở (thay vì 3 cơ sở như trước), gồm cơ sở quản lý trọng điểm, cơ sở quản lý thông thường, cơ sở có rủi ro cao, cơ sở tôn giáo và cơ sở khác. Ngoài ra, hướng dẫn mới đẩy mạnh hơn hệ thống đối phó với đại dịch COVID-19 theo từng địa phương. Theo đó, mỗi quận, huyện, thành phố phải thành lập một ban điều tra dịch tễ học. Trung tâm đối phó dịch bệnh cấp tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp hỗ trợ địa phương gặp khó khăn khi phát sinh số lượng lớn ca mắc mới COVID-19. Với các địa phương nằm ngoài Seoul và các địa phương lân cận thủ đô có ít kinh nghiệm đối phó với kịch bản phát sinh số lượng lớn ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chính phủ sẽ cử nhóm phản ứng nhanh hỗ trợ xây dựng hệ thống đối phó, phòng dịch và điều tra dịch tễ tại địa phương đó. Đặc biệt, tại khu vực có số bệnh nhân tăng vọt, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cân nhắc chỉ định địa phương đó là "khu vực hỗ trợ phòng dịch" để triển khai xét nghiệm sớm chủ động trong 2 tuần, rà soát các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao.

Trong khi đó, tại Nam Phi, tỉnh Western Cape đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trở lại, cụ thể tăng tới 52,1% trong tuần qua.

Phát biểu ngày 25/11, Thủ hiến tỉnh Western Cape - ông Alan Winde bày tỏ quan ngại về số ca mắc mới và nhập viện do COVID-19 gia tăng ở tỉnh này, cũng như tỷ lệ lây lan nhanh trong cộng đồng. Ông Winde cho biết, kể từ đầu tháng này, số ca nhập viện do COVID-19 ở tỉnh Western Cape đã tăng 63%. Tổng số ca mắc hiện đã lên tới 126.362 ca. 

Trên toàn Nam Phi, hơn 760.000 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận - mức cao nhất ở châu Phi, trong đó hơn 20.000 ca tử vong.

Anh Nguyên - Phan An  (TTXVN)
Báo chí Hàn Quốc lao đao vì đại dịch COVID-19
Báo chí Hàn Quốc lao đao vì đại dịch COVID-19

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn kết quả khảo sát do Tổ chức Báo chí Hàn Quốc (KPF) công bố ngày 25/11 cho biết khoảng 84% các tờ báo và tạp chí ở nước này gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính khi doanh thu giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN