Hàn Quốc cảnh báo về làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ ba

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng trở lại ngưỡng trên 300 ca/ngày bất chấp việc cơ quan chức năng nâng mức giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Chú thích ảnh
Người dân đợi xét nghiệm COVID-19 tại điểm xét nghiệm di động ở quận Dongjak, Seoul, Hàn Quốc ngày 22/11/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Số liệu do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 24/11 cho thấy đã có thêm 349 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lên 31.353 ca.

KCDA chính thức đưa ra cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ ba đang diễn ra do các ổ lây nhiễm tập thể, xuất phát từ các địa điểm tư nhân, cơ sở công cộng, bệnh viện và doanh trại quân đội; đồng thời kêu gọi người dân Hàn Quốc cần hành động mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chuẩn bị diễn ra kỳ thi đại học trên toàn quốc vào ngày 3/12 tới. Số liệu thống kê của KCDA cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tập thể từ các cuộc tụ họp mang tính riêng tư (của gia đình và bạn bè) chiếm khoảng 60% tổng số ca nhiễm mới trong thời gian qua.

Phát biểu tại cuộc họp diễn ra cùng ngày ở Seoul, Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kang Do-tae cho biết tốc độ lây nhiễm ở những người dưới 40 tuổi đang gia tăng. Do nhiều người trong số này không có triệu chứng đặc biệt và thực hiện nhiều hoạt động trong ngày nên đã gây thêm khó khăn cho nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19 vốn bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh. Ông Kang Do-tae khuyến cáo mọi người nên giảm thiểu những tiếp xúc không cần thiết để phá vỡ chuỗi lây nhiễm và ngăn chặn đại dịch lây lan ra toàn quốc.

Theo chính quyền thành phố Seoul, nếu như từ trước tới nay các vụ lây nhiễm tập thể quy mô lớn đều xuất phát từ một địa điểm nhất định, giờ đây dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ các địa điểm liên quan tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân và "không còn một nơi nào an toàn". Kết quả phân tích hơn 2.500 cơ sở trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều ca lây nhiễm tập thể từ tháng 8 - 11 này, số cơ sở tôn giáo chiếm nhiều nhất, sau đó đến các công sở, viện dưỡng lão, cơ sở thể thao trong nhà, nhà hàng, quán cà phê... 

Thành phố Seoul chính thức nâng giãn cách xã hội lên mức 2 từ 0h ngày 24/11, đồng thời tuyên bố từ nay đến ngày 31/12 tới là "khoảng thời gian 10 triệu dân tạm dừng di chuyển khẩn cấp". Thành phố sẽ siết chặt phòng dịch với 10 cơ sở thường xuyên xuất hiện lây nhiễm tập thể, tiến hành phân tích các yếu tố, bổ sung các biện pháp phòng dịch cho phù hợp, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, thành phố Seoul cũng quyết định giảm 20% số phương tiện giao thông công cộng hàng ngày và nếu tình hình khẩn cấp kéo dài thì sẽ rút ngắn cả thời gian hoạt động của các phương tiện này. Các cuộc biểu tình trên 10 người cũng bị cấm từ 0h ngày 24/11 cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Ngoài ra, chính quyền thành phố Seoul có kế hoạch tập trung phòng dịch theo từng giai đoạn của kỳ thi tuyển sinh đại học, dựa trên lịch các kỳ thi của mỗi trường đại học trên địa bàn, thực hiện 1/3 nhân viên công sở làm việc tại nhà, đồng thời hạn chế nghiêm ngặt việc tụ tập ăn uống trên 10 người.

* Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn thông báo của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 23/11 Trung Quốc có thêm 22 ca mắc COVID-19, trong đó có 20 ca nhập cảnh từ nước ngoài (Phúc Kiến 4 ca, Quảng Đông 1 ca, Thượng Hải 3 ca, Tứ Xuyên 3 ca, Giang Tô 2 ca, Thiểm Tây 2 ca, Nội Mông 1 ca, Hà Nam 1 ca) và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, lần lượt ở Thượng Hải và Thiên Tân. Trong ngày có thêm 15 ca hồi phục; hiện cơ quan y tế Trung Quốc đang điều trị cho 322 ca nhiễm (trong đó có 303 ca du nhập từ nước ngoài), trong số đó có 8 ca nhiễm nặng.

Bên cạnh đó, trong 24 giờ qua, Trung Quốc phát hiện thêm 8 ca nhiễm không triệu chứng, trong đó có 5 ca du nhập từ nước ngoài. Hiện cơ quan chức năng đang theo dõi y tế đối với 448 ca nhiễm không triệu chứng, trong đó có 345 ca du nhập từ nước ngoài.  

Tính đến hết ngày 23/11, Trung Quốc có tổng cộng 86.464 ca nhiễm, trong đó có 81.508 ca đã được chữa khỏi và 4.634 ca tử vong do COVID-19.

Anh Nguyên - Vĩnh Hà (TTXVN)
Số ca tử vong do COVID-19 tại Italy vượt quá 50.000 người
Số ca tử vong do COVID-19 tại Italy vượt quá 50.000 người

Ngày 23/11, Italy - quốc gia châu Âu đầu tiên chịu tác động bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - đã ghi nhận tổng cộng trên 50.000 ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN