Thông cáo báo chí của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) đưa ra ngày 8/12 nêu rõ cơ quan này đã đặt mua 64 triệu liều vaccine của 4 nhà sản xuất gồm AstraZeneca Inc., Pfizer, Johnson & Johnson's Janssen và Moderna, đủ dùng cho 34 triệu người. Ngoài ra, cơ chế phân phối vaccine toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, có tên gọi COVAX, sẽ cung cấp vaccine của AstraZeneca, Pfizer và Sanofi cho khoảng 10 triệu người.
Hiện MOHW đã ký kết thỏa thuận với AstraZeneca và dự kiến sẽ ký hợp đồng với 3 công ty khác vào cuối tháng 12 này. Một quan chức MOHW cho biết, số lượng liều vaccine đã đặt hàng trước đủ để tiêm phòng cho khoảng 88% dân số Hàn Quốc và sẽ được vận chuyển về Hàn Quốc sớm nhất là vào tháng 2/2021. Tuy nhiên, hiện MOHW vẫn chưa quyết định thời điểm bắt đầu chương trình tiêm chủng. Các cơ quan y tế của Hàn Quốc trước đó bày tỏ mong muốn bắt đầu chương trình tiêm vaccine vào nửa cuối năm 2021 để có thời gian chuẩn bị quy trình, đồng thời theo dõi các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine ở các quốc gia khác.
Theo kế hoạch, vaccine ngừa COVID-19 sẽ được triển khai cho các nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người chăm sóc bệnh nhân tại nhà và nhân viên y tế tuyến đầu, sau đó đến những nhóm còn lại theo thứ tự dựa trên mức độ nguy cơ. MHOW cho biết sẽ thành lập một nhóm đặc trách quản lý chương trình vaccine quy mô lớn trên toàn quốc, bao gồm cả việc bảo quản vaccine.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 8/12 cho thấy số ca nhiễm mới ở quốc gia này đã giảm dưới ngưỡng 600 ca sau khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Cụ thể, trong số 594 ca nhiễm mới (trong tổng số 38.755 ca) có 566 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 552 người.
*Ngày 8/12, hai hãng dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã xin cấp phép nhanh để sớm đưa vaccine phòng bệnh vào sử dụng tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này. Cụ thể, Giám đốc điều hành của Viện Serum Ấn Độ Adar Poonawalla khẳng định việc đưa vaccine của AstraZeneca/Oxford vào sử dụng sẽ giúp bảo vệ nhiều mạng sống. Viện này là nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới và cũng đã nâng công suất lên mức 50-60 triệu liều/ tháng với vaccine của AstraZeneca/Oxford. Hồi tháng trước, CEO Poonawalla khẳng định sẽ bán vaccine của AstraZeneca/Oxford cho Chính phủ Ấn Độ với giá ưu đãi 250 rupee (3 USD). Chia sẻ trên Twitter, CEO này khẳng định "như đã cam kết, trước cuối năm 2020, Viện Serum Ấn Độ đã xin cấp phép sử dụng vaccine COVISHIELD". Theo CEO này, đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được sản xuất tại Ấn Độ. Cùng ngày, truyền thông của Ấn Độ đưa tin hãng dược phẩm Bharat Biotech cũng xin cấp phép sử dụng khẩn cấp với một loại vaccine phát triển trong nước.
Tuần trước, các Pfizer/BioNTech cũng đã xin cấp phép đưa vaccine do 2 hãng này phối hợp phát triển vào sử dụng tại Ấn Độ. So với vaccine của AstraZeneca có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường thì vaccine của Pfizer có yêu cầu bảo quản khó khăn hơn, ở âm 70 độ C.
Hiện Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 2 về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 (khoảng 9,7 triệu ca) và thứ 3 về tổng số ca tử vong ( hơn 140.000 ca). Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định sẽ ưu tiên chủng ngừa cho các nhân viên y tế, cảnh sát, dân quân và những người trên 65 tuổi.