Hàn Quốc coi đối thoại là chìa khóa phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 21/2 cho biết nước này coi các cuộc đàm phán liên Triều và đàm phán Mỹ - Triều là "các trụ cột chính" trong mọi cuộc đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Trong một báo cáo về các biện pháp chính sách sẽ thực hiện trong năm nay và đã được trình lên Quốc hội, bộ trên tuyên bố sẽ nỗ lực tăng cường sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải thiết lập một sự liên kết chặt chẽ giữa cải thiện quan hệ với Triều Tiên và giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (phải) gặp gỡ ba bên với hai người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản là Rex Tillerson (trái) và Taro Kono (giữa) bên lề một hội nghị ngoại trưởng về vấn đề Triều Tiên diễn ra tại Canada. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: "Bộ sẽ thúc đẩy đối thoại toàn diện trong khi duy trì các cuộc đàm phán liên Triều và Mỹ - Triều như các trụ cột chính".

Khi cuộc đối thoại trên bắt đầu trong tương lai gần nhất, Hàn Quốc sẽ thảo luận với các nước liên quan về các cách thức nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách "toàn diện và từng bước" và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thông báo sẽ tập trung các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy bầu không khí hòa giải từ việc Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc thành các nỗ lực xây dựng hòa bình trong khu vực và giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng nhấn mạnh chừng nào Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển hạt nhân thì Seoul sẽ tiếp tục nỗ lực tạo ra sự thay đổi trong phương hướng của Triều Tiên bằng cách cùng với cộng đồng quốc tế tăng cường chiến dịch trừng phạt và gây sức ép.

Nhắc tới các mục tiêu trên, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho biết các cuộc đối thoại liên Triều sẽ diễn ra song song với đối thoại nhằm tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Bà cũng cho biết Mỹ và Triều Tiên cần gặp nhau trong thời gian sớm nhất nhằm mở đường cho cuộc đối thoại toàn diện về phi hạt nhân hóa.

Phát biểu trước các nghị sĩ, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha nhấn mạnh để đạt mục tiêu này, chính phủ sẽ nỗ lực thông qua nhiều kênh khác nhau để thuyết phục miền Bắc ngồi vào bàn đối thoại với Mỹ, đồng thời sẽ thảo luận các cách thức cụ thể với Mỹ về khả năng nối lại các cuộc đàm phán song phương này.

Phát biểu tại một ủy ban của quốc hội, Chủ tịch Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong cho biết Hàn Quốc sẽ tích cực tìm cách tổ chức các cuộc đối thoại "mang tính xây dựng" giữa Mỹ và Triều Tiên, trong khi tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, dựa trên quan hệ đồng minh cứng với Washington.

Về phần mình, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Im Jong-seok cho biết chính phủ sẵn sàng xem xét cử một đặc phái viên tới Triều Tiên nếu việc đó giúp ích cho các nỗ lực duy trì "không khí hòa bình" hiện nay.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên kế hoạch gặp các quan chức Triều Tiên, trong đó có Chủ tịch Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam và bà Kim Yo Jong - em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, trong khuôn khổ Olympic mùa Đông PeongChang tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã hủy cuộc gặp vào phút chót sau khi ông Pence lên án Triều Tiên và công bố kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới. Nếu diễn ra thì đây có thể được coi là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump và các quan chức Bình Nhưỡng.

Không khí hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên đã trở lại sau khi Triều Tiên cử đoàn vận động viên tham gia Olympic PyeongChang 2018 và mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng để tiến hành cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3. Ông Moon Jae-in chưa đưa ra câu trả lời chính thức đối với lời mời này, song bày tỏ hy vọng tạo các điều kiện phù hợp để cuộc gặp diễn ra, đồng thời kêu gọi Triều Tiên tích cực nỗ lực mở đối thoại với Mỹ.

Dư luận quốc tế đang chú ý tới thời điểm Mỹ và Triều Tiên sẽ ngồi vào bàn đàm phán phi hạt nhân. Mỹ đã gợi ý rằng đàm phán sẽ bắt đầu ngay khi Triều Tiên muốn. Trong khi đó, Triều Tiên kiên quyết không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ hy vọng Olympic PyeongChang thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên
Mỹ hy vọng Olympic PyeongChang thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Ngày 30/1, Quốc hội Mỹ đã công bố hai nghị quyết bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Hàn Quốc đăng cai Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, đồng thời bày tỏ hy vọng sự kiện thể thao sẽ là một nền tảng thúc đẩy nền hòa bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN