Quang cảnh trang hoàng trên đường phố gần làng Olympic PyeongChang ở Gangneung ngày 29/1. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Hai nghị quyết riêng rẽ do Thượng viện và Hạ viện Mỹ đưa ra đều ghi nhận thỏa thuận gần đây của Triều Tiên về việc tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang diễn ra từ ngày 9 - 25/2. Văn kiện của Hạ viện tái khẳng định "cam kết mạnh mẽ và kiên định của Mỹ đối với đồng minh Hàn Quốc trong việc ủng hộ, tham gia và hỗ trợ đảm bảo sự an toàn và an ninh của Olympic mùa Đông PyeongChang 2018".
Trong khi đó, nghị quyết của Thượng viện cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia khác trong việc theo đuổi chính sách của Washington nhằm "can dự và gây sức ép tối đa" đối với Triều Tiên, bao gồm thông qua việc triển khai đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, văn kiện này cũng bày tỏ hy vọng kỳ Thế vận hội sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán nhằm hướng đến việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington vẫn duy trì phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc để đảm bảo Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra thành công.
Hàn Quốc trước đó cho biết sẽ thuê một máy bay đưa các vận động viên trượt tuyết tới Triều Tiên để tham gia khóa huấn luyện chung trong tuần này. Những người chỉ trích cho rằng hành động của Seoul có thể dẫn tới việc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trong đó cấm các máy bay từng tới Triều Tiên đến Mỹ trong vòng 180 ngày.
Khi được hỏi liệu Washington có chia sẻ các quan ngại này hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Michael Cavey khẳng định Washington vẫn duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Seoul. Ông nêu rõ: "Như Tổng thống Donald Trump đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 4/1, Washington cam kết một kỳ Olympic mùa Đông an toàn và thành công".
Sau khi hai miền Triều Tiên nhất trí về việc Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 2, tình trạng căng thẳng trong khu vực đã dịu đi. Hàn Quốc đang nỗ lực tìm cách biến bầu không khí hòa bình này thành một cơ hội để nối lại thương lượng về chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, trong đó đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington được coi là có vai trò hết sức quan trọng.