Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin nước máy tại nhiều khu vực ở Bangkok đã có vị mặn. Tình trạng này được cho là do sông Chao Pharta quá cạn, không thể ngăn nước biển thủy triều xâm nhập.
Sự xâm nhập mặn trên chỉ là một trong những dấu hiệu của tình hình khô hạn mà Cục Khí tượng Thái Lan dự kiến là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.
“Khô hạn đến sớm hơn vào năm nay và nó đang ảnh hưởng đến nguồn nước cho nông nghiệp cũng như nước uống. Thêm nhiều khu vực tại Thái Lan có thể bị ảnh hưởng so với trước đây”, ông Surapong Sarapa, Trưởng bộ phận dự báo của cơ quan trên cho biết.
Ngân hàng Ayudhya Pcl thông báo đợt khô hạn này đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất mùa màng tại Thái Lan – quốc gia có 11 triệu người làm việc trong ngành nông nghiệp. Diễn biến thời tiết xấu này cũng có khả năng làm kinh tế đi xuống. “Hạn hán cũng có thể ngăn người dân tiêu dùng ngay cả khi họ không bị ảnh hưởng trực tiếp”, nhà kinh tế học Simprawin Manprasert tại ngân hàng trên cảnh báo.
Một nửa hồ trữ nước lớn ở Thái Lan hoạt động dưới 50% công suất. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha ngày 7/1 đã kêu gọi người dân tiết kiệm nước. Chính phủ cũng thiết lập một trung tâm điều hành nước để xử lý tình hình cũng như cấp 6 tỷ baht (198 triệu USD) để ngăn thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu,
Nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đang hứng chịu tình trạng tương tự. Ở Australia, khô hạn đã góp phần dẫn đến cháy rừng nghiêm trọng, làm dấy lên mối lo ngại về vấn nạn biến đổi khí hậu.