Nếu nguồn cung thiếu hụt và những nỗ lực giảm tiêu thụ không đạt kết quả, chính phủ Đức sẽ tính toán cắt giảm tiêu thụ của một bộ phận khu vực sản xuất từ mạng lưới khí đốt và ưu tiên cho nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình.
Nga gần đây liên tục nhắc lại quan điểm những quốc gia “không thân thiện” sẽ phải thanh toán bằng đồng rúp thay vì đồng USD và euro đối với các hợp đồng mua khí đốt. Nhưng trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 30/3, Tổng thống Vladimir Putin để ngỏ một thỏa hiệp tiềm năng khi nói rằng các khách hàng tiêu thụ khí đốt tại châu Âu có thể tiếp tục thanh toán bằng đồng euro với điều kiện giao dịch được thực hiện qua ngân hàng Gazprombank – thực thể tài chính của Nga đến lúc này vẫn chưa bị EU cấm vận.
Nga và EU tranh cãi về hình thức thanh toán mà điện Kremlin đặt ra. Đức và 7 nước công nghiệp phát triển (nhóm G7) khẳng định quan điểm không chấp nhận trả bằng đồng rúp với khí đốt đặt mua của Nga, nói rằng sẽ tiếp tục sử dụng các đồng tiền như USD và euro trong các hợp đồng cung ứng khí đốt ký với Nga. Tại thời điểm hai bên mở các cuộc thương thảo để giải quyết bất đồng này, giá khí đốt trong các hợp đồng kỳ hạn tương lai trên sàn TTF tại Hà Lan tăng thêm 9 cent, lên mức 118 euro/ MWh do lo ngại về đứt gãy nguồn cung.
Giới chức EU và đồng cấp người Nga đã thảo luận về cơ chế hoán đổi tiền tệ giữa đồng rúp với euro trong mua bán khí đốt. Biện pháp này giúp các khách hàng doanh nghiệp không phải mua rúp từ ngân hàng trung ương. Thay vào đó, các khoản chi trả sẽ được thực hiện qua Gazprombank. “Chưa có bên nào sẵn sàng ngắt cầu và vì thế sẽ có một khung quy định chấp nhận được với cả hai”, một nguồn tin chia sẻ.
Chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Scholz chưa thỏa thuận về bất kỳ đề xuất nào trong cuộc điện đàm với ông Putin, đồng thời yêu cầu được Moskva cung cấp thêm thông tin về cơ chế, cách thức vận hành thanh toán. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kích hoạt “giai đoạn cảnh báo sớm” về tình trạng khí đốt khẩn cấp vốn được đề ra để xử lý tình huống thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.
Kế hoạch khẩn cấp của Đức gồm có ba giai đoạn. Trong giai đoạn cảnh báo sớm, một nhóm đặc trách gồm đại diện của Bộ Kinh tế, giới quản lý thị trường và khu vực tư nhân sẽ giám sát nguồn nhập khẩu và dữ trữ khí đốt. Kế đến là giai đoạn cảnh báo và giai đoạn khẩn cấp. Chỉ khi tới giai đoạn 3, chính phủ mới cần can thiệp và điều hướng dòng chảy khí đố - ông Habeck nói đồng thời cho biết ở tình huống này cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur sẽ định ra khu vực và ngành công nghiệp thuộc hạng không được ưu tiên sử dụng năng lượng.
Áo cũng cho biết sẽ bắt tay thực hiện bước đi đầu tiên trong kế hoạch khẩn cấp quốc gia ba giai đoạn, dựa trên những tín hiệu “rõ ràng và đáng tin cậy cho thấy nguồn cung khí đốt có thể suy giảm trong vài tuần tới" – như nhận định của Leonore Gewessler, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Khí hậu và Năng lượng của Áo.
Hiện nguồn nhập khẩu từ Nga đáp ứng 80% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong nước của Áo. "Chúng ta sẽ làm mọi điều có thể để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ", Thủ tướng Áo Karl Nehammer phát biểu tại cuộc họp báo ở Vienna hôm 30/3.
Volker Wieland, giáo sư kinh tế tại Đại học Frankfurt và là thành viên hội đồng cố vấn kinh tế cho chính phủ Đức, nhận định việc Nga dừng cung cấp khí đốt sẽ tạo ra nguy cơ lớn về suy thoái, đẩy Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, rơi vào tình cảnh lạm phát gần hai con số.
EU đặt ra mục tiêu lấp đầy 80% các kho dự trữ khí đốt vào đầu tháng 11 hàng năm để bảo đảm nguồn cung trước khi bước vào mùa đông lạnh giá, cũng là giai đoạn tiêu thụ khí đốt đạt đỉnh. Đức đã không đạt được mốc này vào năm 2021. Hiện tại, kho dự trữ khí đốt của Đức mới chỉ ở mức 26,5% so với công suất thiết kế. Mức này tại các cơ sở dự trữ khí đốt ở Áo thậm chí còn thấp hơn, chỉ là 13%.