Đức hiện chịu nhiều sức ép từ việc giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bất chấp việc Mỹ, Anh và Canada đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, Đức vẫn cố tìm cách xua tan những kỳ vọng về việc Berlin sớm có hành động tương tự.
Phát biểu trước Quốc hội Đức hồi tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng áp lệnh cấm vận nhập khẩu năng lượng từ Nga là bất chợt, chỉ sau ngày một ngày hai đồng nghĩa với việc đẩy kinh tế Đức và kinh tế châu Âu bước vào suy thoái.
Lý do không quá khó hiểu. So với nhiều thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), mức độ phụ thuộc của Đức vào nguồn cung năng lượng Nga lớn hơn. Nga cung ứng 55% khí đốt và 34% dầu thô nhập khẩu của Đức – theo số liệu của Agora Energiewende, một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Đức.
Nhưng sự kiên nhẫn cũng bắt đầu suy giảm, trước luồng dư luận cho rằng Đức đang hỗ trợ “tài chính” cho hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Mỗi ngày, Đức đang chi hàng trăm triệu USD cho nhập khẩu năng lượng từ Nga. Còn tính trong cả khối, EU đã bỏ ra khoảng 23,3 tỉ USD để mua khí đốt, dầu mỏ từ Nga tính từ thời điểm Moskva mở chiến dịch can thiệp tại Ukraine hôm 24/2.
Một bộ phận giới nghiên cứu cho rằng hệ quả của việc Đức “tẩy chay năng lượng” Nga có thể không quá mức nghiêm trọng. Một nhóm học giả thuộc Viện hàn Lâm Khoa học Leopoldina Quốc gia Đức mới đây đã tính toán rằng tác động của việc dừng nguồn khí đốt từ Nga trong ngắn hạn là “lớn, nhưng vẫn nằm trong khả năng quản trị”. Trong kịch bản này, GDP của Đức giảm từ 0,5-3% so với mức suy giảm 4,5% hồi mùa thu năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Nhóm này cũng cho rằng việc tìm kiếm nguồn dầu mỏ, than đá thay thế dễ dàng hơn so với nguồn khí đốt từ Nga.
Tài liệu do Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (GIER) công bố ngày 29/3 cũng đưa ra một dự báo tương tự về mức suy giảm GDP cũng như xu hướng lạm phát gia tăng sau khi đã đạt mức 5,5% trong tháng 2 trong trường hợp Đức dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, các tác giả cũng cho rằng vì kịch bản trừng phạt như vậy chưa có tiền lệ, nên mọi giả định đều chỉ có tính chất tương đối.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp có quan điểm thận trọng hơn. Đi đầu trong việc phản đối tẩy chay năng lượng Nga là Hiệp hội các nhà công nghiệp Đức (BDI), nhóm vận động hành lang cho doanh nghiệp mạnh nhất tại Đức. Tuần trước, BDI cảnh báo rằng từ bỏ năng lượng Nga sẽ gây ra những hệ quả “khó có thể đong đếm được”.
Chủ tịch BDI, ông Siegfried Russwurm, cũng cho rằng tẩy chay khí đốt của Nga sẽ tác động tới toàn châu Âu, bởi mạng lưới đường ống tại châu lục không được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ tây sang đông. Nói cách khác, Hà Lan và Bỉ - những nước đang vận hành các trung tâm xử lý khí hóa lỏng (LNG) ở phía Tây sẽ không thể chuyển nguồn khí đốt sang các nước khác trong trường hợp hai nước này tiếp nhận LNG từ Mỹ, Qatar hay Na Uy.
Nhiều ngành công nghiệp e ngại đứt gãy nguồn cung nghiêm trọng trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng sẽ dẫn đến tình trạng mất việc hàng loạt. Nổi bật là ngành khai khoáng, hóa chất, năng lượng, ngành chế tạo thép và các nhóm ngành điện, luyện kim.
Gánh nặng từ việc tẩy chay năng lượng Nga sẽ dồn lên vai khu vực cung công ích, chuyên cung cấp điện cho tiêu dùng, sản xuất. Tập đoàn năng lượng E.ON cho biết kinh tế Đức sẽ chịu thiệt hại “rất lớn” nếu không có nguồn khí đốt từ Nga.
Kerstin Andreae, Chủ tịch Hiệp hội các công ty tiện ích của Đức (BDEW), nhận định một lệnh cấm vận nhằm vào Nga sẽ tạo ra những “thách thức to lớn và khủng khiếp”. Theo Andreae, trong trường hợp đó Đức lại phải vận hành trở lại các nhà máy nhiệt điện chạy than, còn khách hàng hộ gia đình, đơn vị sản xuất sẽ phải cắt giảm tiêu thụ điện năng.
Chính phủ Đức đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào Nga, với mục tiêu đến cuối năm nay giảm 50% khí đốt nhập khẩu từ Nga và sẽ ngừng nhập khẩu sau hai năm nữa. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gần đây đã có chuyến thăm tới Qatar và Na Uy nhằm tìm kiếm nguồn khí LNG thay thế. Nhưng Đức hiện chưa có một trạm xử lý LNG nào và sớm nhất cũng phải đến năm 2026 mới có thể đưa vào vận hành một số trạm dạng này.
Ở chiều hướng khác, đứt gãy bất chợt cũng có thể xuất phát từ quyết định của Nga. Mới đây, Moskva tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận thanh toán hợp đồng mua năng lượng bằng đồng rúp đối với các nước bị Nga coi là “không thân thiện”. Về phần mình, châu Âu tuyên bố sẽ chỉ thanh toán bằng đồng euro và từ chối yêu sách của Nga về hoán đổi sang đồng rúp.