Quyết định trên sẽ được tự động có hiệu lực 30 ngày sau cuộc bỏ phiếu tại phiên họp của Hạ viện ngày 10/11, ngay cả khi Thượng viện không ủng hộ. Ban lãnh đạo Thượng viện đã lên kế hoạch họp toàn thể ngày 11/11 trong khi tất cả các đảng cầm quyền đang cân nhắc kéo dài phiên họp bất thường hiện nay của Hạ viện, vốn dự kiến kết thúc vào ngày 30/11 tới.
Liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Komeito đang hối thúc thông qua văn kiện trên trong khuôn khổ kỳ họp hiện nay. Thủ tướng Abe đặt mục tiêu Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trong 12 nước ký kết TPP chính thức phê chuẩn văn kiện này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) tại phiên họp Hạ viện ở thủ đô Tokyo ngày 10/11. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Các đảng trong liên minh cầm quyền có thẩm quyền thông qua các luật liên quan TPP với việc sử dụng đa số tại Hạ viện, bất chấp các nghị sĩ đối lập phản đối việc này vì cho rằng cuộc bỏ phiếu trên là không phù hợp khi xét đến triển vọng chính trị Mỹ. Các nghị sĩ LDP cho biết Nhật Bản hy vọng gửi đi một thông điệp tới Mỹ bằng cách đi đầu trong việc phê chuẩn TPP. Tuy nhiên, triển vọng của thỏa thuận này tại Washington vẫn khá mờ mịt sau khi ứng cử viên kịch liệt phản đối TPP là Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, các quan chức cấp cao Australia bày tỏ lo ngại về khả năng Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP. Phát biểu trên đài ABC của Australia, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Steve Ciobo cho rằng "rất ít khả năng Mỹ phê chuẩn TPP". Trong khi đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull bày tỏ tin tưởng rằng việc phê chuẩn TPP sẽ có lợi cho nước này. Trong một cuộc điện đàm với ông Trump cùng ngày, Thủ tướng Turnbull đã thảo luận về TPP và nói rằng Mỹ có lợi ích chiến lược khi xem đây là "hòn đá tảng" của thương mại khu vực. Trước đó, Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết nếu TPP thất bại, Australia sẽ chuyển hướng chú ý sang thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 16 quốc gia, trong đó có ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia.
Về phần mình, giới chức và các nhà phân tích Malaysia cũng đã tỏ thái độ nghi ngờ về triển vọng của TPP sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11. Truyền thông địa phương dẫn lời Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed nhận định hiệp định này sẽ đổ vỡ nếu không có sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của Malaysia. Một số quan chức và chuyên gia phân tích đang đặt hy vọng vào Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama sẽ hoàn tất TPP trong thời gian cuối nhiệm kỳ của ông. Quốc hội Malaysia đã thông qua TPP và chính phủ đã cam kết phê duyệt hiệp định thương mại này trước cuối năm 2018.