Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật với 232 phiếu thuận và 180 phiếu chống đánh dấu một bước ngoặt mang tính lịch sử, theo đó Quận Columbia (Washington D.C.) sẽ có đại diện tại cả hai viện của Quốc hội Mỹ.
Theo dự luật này, thủ đô Washington sẽ có một đại diện có quyền bỏ phiếu tại Hạ viện và 2 đại diện bỏ phiếu tại Thượng viện. Trong khi đó, theo luật hiện nay, cả khu vực Washington D.C. chỉ có duy nhất một đại diện tại Hạ viện, song đại diện này chỉ có quyền bỏ phiếu ở các ủy ban chứ không có quyền biểu quyết trong những phiên họp kín của Nghị viện. Nhiều đạo luật Liên bang được thông qua mà không cần đại diện của cử tri thủ đô Mỹ.
Tuy nhiên, dự luật này dự kiến khó có thể vượt qua được "cửa ải" Thượng viện do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa. Trước đó, Nhà Trắng cũng cho biết cũng sẽ phủ quyết dự luật này.
Việc thủ đô Washington thiếu đại diện của mình tại Quốc hội từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định người dân thủ đô Washington trả thuế, tham gia vào các cuộc chiến và mạo hiểm cả mạng sống của mình vì nền dân chủ. Tuy nhiên, họ lại không có đại diện bỏ phiếu tại Hạ viện hoặc Thượng viện. Trong một phát biểu, Thị trưởng Washington D.C, bà Muriel E. Bowser, cũng cho rằng bà muốn người dân ở thủ đô có đầy đủ quyền công dân như những người ở các bang khác, ví dụ như bỏ phiếu ở Hạ viện và có 2 thượng nghị sỹ.
Trong khi đó, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ trích dự luật và cho rằng đảng Dân chủ muốn có thêm quyền lực. Việc Washington D.C. trở thành một bang của Mỹ sẽ là vi hiến bởi Hiến pháp Mỹ quy định, một đặc khu liên bang, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, để phục vụ như thủ đô vĩnh viễn của quốc gia.
Washington DC được thành lập vào ngày 16/7/1790 với tên chính thức là District of Columbia (viết tắt D.C), có nghĩa Đặc khu Columbia.