Theo phóng viên TTXVN tại Rome, sau cuộc tranh luận, trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Hạ viện Italy đã thông qua hai điều chỉnh của dự luật. Điều khoản đầu tiên được thông qua với số phiếu 462 thuận và 55 phiếu chống, trong khi điều khoản thứ hai được thông qua với 458 phiếu thuận, 46 phiếu chống và một nghị sĩ bỏ phiếu trắng.
Hạ viện Italy đã lên kế hoạch bỏ phiếu lần cuối cùng cho toàn bộ gói cải cách tư pháp vào cuối ngày 3/8, nhưng lần bỏ phiếu này không bị ràng buộc với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Thượng viện dự kiến bắt đầu xem xét dự luật này trong tháng 9 để hoàn tất việc thông qua.
Người có công đầu để đảm bảo dự luật sẽ được phê chuẩn tại Hạ viện là cựu Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, người đang có ý định trở thành nhà lãnh đạo của Phong trào 5 sao theo chủ nghĩa dân túy. Chia sẻ với báo giới, ông Conte cho biết các nghị sỹ của Phong trào 5 sao, đảng lớn nhất tại quốc hội sẽ bỏ phiếu ủng hộ.
Hệ thống tư pháp Italy có ba cấp phán quyết, có nghĩa là các bị cáo có thể hai lần kháng cáo. Do đó, tại Italy, có nhiều vụ án bị hết hạn do giới hạn thời hiệu hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác. Chính phủ trước đã quyết định loại bỏ giới hạn thời gian truy tố sau khi có phán quyết ban đầu, khi lập luận rằng nhiều đối tượng phạm tội, đặc biệt là tội phạm cổ cồn trắng, tìm cách trốn tránh công lý bằng cách sử dụng các thủ pháp pháp lý để trì hoãn các thủ tục của tòa án.
Đề xuất cải cách mới của Bộ trưởng Tư pháp Italy Marta Cartabia, nhằm giảm lượng án tồn đọng và đẩy nhanh quá trình tố tụng tại tòa án, sẽ "đóng băng" thời hiệu vào cuối phiên tòa đầu tiên nhưng đặt ra giới hạn thời gian nghiêm ngặt cho hai lần kháng cáo. Theo đề xuất của bà, nếu lần kháng cáo đầu tiên không được hoàn thành trong 2 năm và lần thứ hai trong 1 năm, tất cả các vụ án, trừ những vụ mà bị cáo nhận mức án chung thân, sẽ hết hiệu lực mà không có phán quyết, trừ khi các thẩm phán cấp phép đặc biệt để tiếp tục xét xử.
Phiên bản mới nhất của dự luật cải cách tư pháp cũng bao gồm các điều khoản đặc biệt trong vài năm tới về những loại tội phạm lớn, để đảm bảo rằng nếu phiên tòa ở bất kỳ cấp xét xử nào kéo dài quá thời gian quy định mới, thì vụ án có thể được tiếp tục xét xử đến cuối cùng. Những loại tội phạm đó bao gồm khủng bố, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy và bạo lực tình dục.
Trong nhiều thập kỷ, cải cách tư pháp là lĩnh vực gây tranh cãi nhất trong nền chính trị Italy và là một yếu tố quan trọng trong gói cải cách mà Thủ tướng Draghi đã cam kết như một điều kiện để nhận được các quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 của EU.