Hạ viện Anh ủng hộ dự luật mới gây tranh cãi về thị trường hậu Brexit

Ngày 14/9, Hạ viện Anh đã tán thành một dự luật mới, vốn có thể loại bỏ một phần thỏa thuận London rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) mà nước này đạt được với EU hồi năm ngoái, bất chấp sự bất bình của giới chức châu ÂU và những cảnh báo về một dự luật như vậy sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Anh tại thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, với 340 phiếu thuận và 263 phiếu chống, Hạ viện Anh đã nhất trí ban đầu đối với Dự luật Thị trường nội địa, mở đường cho cuộc thảo luận chi tiết về nội dung văn kiện trên kéo dài trong 4 ngày, dự kiến trong tuần này và tuần tới. 

Trước đó, ngày 9/9, Chính phủ Anh đã bất ngờ công bố Dự luật Thị trường nội địa nhằm thay thế thỏa thuận Brexit, trong đó  thừa nhận khả năng sẽ vi phạm một số điều khoản của thỏa thuận Brexit, vốn được hai bên ký kết hồi đầu năm giúp hiện thực hóa tiến trình Anh rời EU.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố dự luật này là "tấm lưới an toàn" nhằm ngăn chặn thương mại giữa các vùng lãnh thổ của Anh gồm xứ Scotland, England, Wales và Bắc Ireland, bị gián đoán  trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với EU vào cuối năm nay. Dự luật này cho phép London đơn phương kiểm soát hoạt động thương mại của Anh và tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp Bắc Ireland - một điều khoản vi phạm thỏa thuận Brexit mà hai bên đã đạt được.

Các nhà lãnh đạo EU đã bác bỏ dự luật mới trên của Anh, yêu cầu Thủ tướng Johnson duy trì cam kết mà ông đưa ra trong thỏa thuận Brexit hồi năm ngoái, đồng thời đưa ra thời hạn đến cuối tháng 9 để London rút một phần gây tranh cãi trong dự luật mới trên. 

Không chỉ gây ra sự bất hòa giữa EU và Anh, Dự luật Thị trường Nội địa còn trở thành vấn đề tranh cãi ngay tại chính trường Anh. Một số nghị sĩ thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền bày tỏ quan ngại về việc văn kiện này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Cựu Bộ trưởng Tài  chính Anh Sajid Javid và cựu Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Cox là hai trong số những người khẳng định không ủng hộ dự luật trên.

Thậm chí, một số cựu Thủ tướng Anh như John Major, David Cameron và Theresa May thuộc đảng Bảo thủ, và cựu Thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown thuộc Công đảng cảnh báo Dự luật Thị trường Nội địa có nguy cơ ảnh hưởng đến danh tiếng của nước Anh trên thế giới. 

Anh đã chính thức rời EU từ 31/1/2020, chỉ ít ngày sau khi 2 bên ký kết thỏa thuận quy định các điều kiện “chia tay”. Trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài đến 31/12 năm nay, Anh vẫn tiếp tục áp dụng các quy định của EU đồng thời tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai. Vòng đàm phán thứ 8 đã diễn ra từ ngày 8-10/9 những không đạt được kết quả đáng kể nào.

Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost cho biết EU và Anh vẫn còn những bất đồng “đáng kể” về thỏa thuận tự do thương mại, nhưng 2 bên đã nhất trí nối lại đàm phán trong tuần tới tại Brussels. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cảnh báo các cuộc đàm phán vẫn bế tắc nhưng Brussels vẫn mong muốn sẽ đạt thỏa thuận.

Thanh Hương (TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng châu Âu cảnh báo Anh phải tuân thủ thỏa thuận Brexit
Chủ tịch Hội đồng châu Âu cảnh báo Anh phải tuân thủ thỏa thuận Brexit

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 13/9 đã cảnh báo Anh rằng nước này phải có trách nhiệm và thực thi đầy đủ thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN