Dịch vụ tin tức của Google tại Tây Ban Nha đã dừng hoạt động từ tháng 12/2014, sau khi Tây Ban Nha thông qua dự luật yêu cầu các nền tảng công nghệ như Google hay Facebook phải trả phí sử dụng tin tức cho các cơ quan báo chí nước này.
Đến ngày 2/11 vừa qua, Tây Ban Nha đã phê chuẩn dự luật bản quyền của Liên minh Châu Âu (EU), ban hành năm 2019. Luật này cho phép các bên thứ ba, là các nền tảng công nghệ, đàm phán trực tiếp về phí sử dụng nội dung tin tức với từng cơ quan truyền thông. Điều này đồng nghĩa với việc Google không cần phải trả phí bản quyền tin tức cho toàn ngành truyền thông Tây Ban Nha, thay vào đó có thể đàm phán riêng rẽ với từng hãng tin tức.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu Google chi nhánh Tây Ban Nha Fuencisla Clemares cho biết trong những tháng tới, hãng sẽ tiến hành đàm phán riêng rẽ với các tổ chức báo chí sở tại.
Không chỉ riêng Tây Ban Nha, luật tại một số nước cũng quy định các hãng công nghệ như Google, Facebook phải trả phí sử dụng tin tức của các hãng sở tại. Đáng chú ý là tranh cãi giữa Chính phủ Australia và Facebook hồi tháng 2 vừa qua khi Australia thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Facebook đã phản đối mạnh mẽ bộ luật này bằng cách bất ngờ chặn người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức trên nền tảng xã hội này. Quyết định của Facebook đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Australia không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương trên nền tảng này. Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, Chính phủ Australia cho biết sẽ sửa đổi quy định trên, trong khi Facebook cũng khôi phục quyền truy cập tin tức tại Australia.