Tập hợp khi có báo động, chạy khi dù mở buộc vào vai, hành quân với những chiếc ba lô nặng trĩu và trải nghiệm cảm giác run sợ khi ở trong phòng kín bị rò rỉ khí ga…, đây là những bài huấn luyện thường nhật tại căn cứ Tư lệnh chiến tranh đặc biệt của quân đội Hàn Quốc ở phía tây thủ đô Xơun. Nhưng thay vào vị trí các binh sỹ của quân đội là những cô cậu thiếu niên, thậm chí cả các phụ huynh.
Các trại lính mở cửa chào đón bất kỳ ai trên 13 tuổi. |
Trại lính, được tổ chức 2 lần trong năm bắt đầu từ năm 2003 với mục đích trang bị các kỹ năng quân sự cơ bản cho người dân, đã trở thành mốt ở xứ sở kim chi. Mở cửa chào đón bất kỳ ai trên 13 tuổi với khoản phí 40.000 won (36 USD)/người, những trại lính như vậy đã thu hút hơn 17.000 người dân Hàn Quốc tham gia.
Văn hóa quân sự đã ăn sâu ở Hàn Quốc do đất nước này chịu sự cai trị của các chế độ quân sự tới tận giữa những năm 1980. Tất cả những thanh niên Hàn Quốc đủ điều kiện sức khỏe đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời gian 2 năm.
Những trại lính này, do các công ty quân đội hoặc tư nhân điều hành, càng trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, thu hút nhiều đối tượng khác nhau, từ những quân nhân đã giải ngũ tới các cháu học sinh, nhân viên văn phòng và những người muốn trải nghiệm kỳ nghỉ hè đặc biệt.
Văn hóa quân sự đã ăn sâu ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Thiếu tá Lee Joo-Ho, phát ngôn viên một trại lính cho biết, đây là cơ hội để "thử sức chịu đựng của bản thân, rèn luyện thể lực và học hỏi tinh thần "biến cái không thể thành có thể".
"Về cơ bản, nam thanh niên tham gia là chủ yếu vì sau đó họ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng ngày càng nhiều thiếu nữ quan tâm tới mô hình này vì từ năm ngoái, phái nữ được phép tham gia chương trình sỹ quan dự bị đại học", Thiếu tá Lee cho biết thêm.
Yeom Hyuck, 15 tuổi, cho biết em rất hồi hộp trước khi thực hiện bài tập nhảy dù nhưng sau thời gian được huấn luyện em tỏ ra rất phấn khích. "Mọi thứ ở đây thật là thú vị, nhưng em cũng bắt đầu nhớ ba mẹ", Yeom cho biết.
Kim Tae - Hoon, 17 tuổi, thì tâm sự: "Giấc mơ được tham gia quân đội của cha em đã tan vỡ do cha em mắt kém. Vì vậy, cha đã đưa em tới tham dự trại lính khi em mới bước sang tuổi 13". Kể từ đó, Kim đã 9 lần tham gia trại lính vào mỗi mùa hè và mùa đông. "Thật là tuyệt vời khi tham gia hoạt động này, nó giúp giảm căng thẳng và vui hơn nhiều so với chơi game máy tính", Kim vui vẻ thổ lộ. Từ mùa hè năm ngoái, Tae - Hun, em trai Kim, cũng đã tới tham gia trại lính cùng Kim. Tae rất hồi hộp khi được trải nghiệm bài tập trong phòng kín trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ khí ga - bài tập ứng phó với các cuộc tấn công hoá học. "Em rất vui khi đã giảm được vài cân và em cảm thấy đàn ông hơn", Tae - Hun thổ lộ.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều cảm thấy vui sướng khi tham gia các hoạt động này. Cho Byung-Chan cảm thấy quá sức khi tham gia bài tập hợp khi có báo động. Cho cho biết cậu cảm thấy hơi giận bố mẹ khi đã đưa cậu vào đây. "Họ nói em cần phải rèn luyện để lớn khôn nhưng nó quá sức với em… em đang đói", Cho, 15 tuổi, thường trốn học đi chơi game máy tính, càu nhàu.
Cựu đặc công Yoon Jeong - Sik đang có kỳ nghỉ hè tại trại lính với vợ và 2 cô con gái để hồi tưởng lại những kỷ niệm sau 24 năm rời quân ngũ. Yoon cho biết ông muốn gia đình biết những việc ông đã từng làm và cách làm thế nào để hoà nhập cùng người khác. "Tôi đã đưa con tôi tới đây để rèn luyện nhân cách", ông Yoon, 47 tuổi, thổ lộ, khi đang trong bộ quân phục ướt sũng sau bài tập vượt sông. "Lúc đầu họ rất hào hứng vì họ không biết lại khó nhọc đến thế, nhưng giờ tôi cố không dám nhìn họ", Yoon phá lên cười khi nhìn vợ và những đứa con gái.
Quang Tuyến