Theo Stream News, 4 tháng sau khi Australia triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19, phần lớn người dưới 40 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện để được tiêm vaccine.
Trong quá trình triển khai, chiến dịch tiêm vaccine của nước này bị gián đoạn do gặp vấn đề về nguồn cung, chậm trễ trong việc vận chuyển cũng như mối lo ngại về tác dụng phụ của các loại vaccine.
Xếp hàng dài bên ngoài các điểm tiêm chủng ở Sydney, Melbourne, nhiều người trong số đó thuộc độ tuổi 25-40. Nhạc sĩ Julia Bald (28 tuổi) là một trong số đó. “Tôi nghĩ mọi người đều rất muốn được tiêm”, Bald nói về người bạn của mình.
Đối với nhiều người trong trong thế hệ sinh từ năm 1981 đổ về năm 2000, vaccine là công cụ bảo vệ hữu hiệu nhất cho cha mẹ họ, là cơ hội để họ có thể tự do đi lại và một bước tiến quan trọng để thay trở lại cuộc sống bình thường.
Kể từ tháng 5, tất cả người dân trên 50 tuổi tại Australia đều được tiêm vaccine Astrazeneca, trong khi chính phủ nước này khuyến nghị những người dưới 50 tuổi tiêm loại vaccine khác. Tuy nhiên, sự lựa chọn còn lại duy nhất chỉ là vaccine Pfizer và loại vaccine đó đang bị hạn chế về nguồn cung.
Sarah Martin (36 tuổi) kêu gọi chính phủ cho phép người trẻ được tiêm vaccine sau khi cô may mắn được tiêm tại một trung tâm tiêm chủng cách đây vài tuần.
Việc chờ đợi để được tiêm vaccine đã khiến nhiều người trẻ Australia lo sợ và tức giận. Hiện mới chỉ có 2% dân số Australia hoàn thành hai mũi tiêm vaccine.
Aashna Pillai (29 tuổi) bày tỏ tình trạng thế hệ của cô bị đẩy xuống dưới danh sách tiêm chủng khiến họ cảm thấy như bị bỏ rơi. “Nhiều người nghĩ chúng tôi còn trẻ, chúng tôi sẽ phụ hồi nhanh sau khi mắc COVID-19, chúng tôi sẽ ổn thôi”, Pillai bức xúc.
Một số người trẻ Australia đặt câu hỏi tại sao họ phải chờ đợi trong khi nhiều liều vaccine bị lãng phí vì tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm lớn tuổi tương đối thấp do những người lớn tuổi vẫn còn tâm lý e ngại.
Emily (37 tuổi) sinh sống tại New South Wales cho biết: "Tại nơi làm việc, tôi gặp những khách hàng lớn tuổi. Họ nói rằng sẽ đợi ít nhất 6 tháng nữa để xem có chuyện gì xảy ra đối với những người đã được tiêm không. Trong khi đó, thế hệ trẻ hơn thì muốn được tiem vaccine càng sớm càng tốt để biên giới mở cửa trở lại".
Bên cạnh đó, việc triển khai vaccine thiếu minh bạch cũng khiến nhiều người trẻ nước này lo lắng. Họ không biết khi nào họ đủ tiêu chuẩn tiêm hay đất nước của họ hiện có bao nhiêu liều vaccine Pfizer.
Vào giai đoạn này, chính phủ Australia chỉ cam kết tất cả công dân trưởng thành sẽ nhận được mũi tiêm đầu tiên vào cuối năm 2021.
Hiện mới chưa đầy 20% dân số toàn quốc đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ và Anh lần lượt là 67% và 75%. Nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine tại Australia mới chỉ giới hạn ở người cao tuổi dễ bị tổn thương, nhân viên y tế tuyến đầu và người lao động thuộc ngành cung cấp, phân phối các dịch vụ hàng hóa thiết yếu.