Giới khoa học đánh giá về khả năng tái nhiễm biến thể phụ 'tàng hình' của Omicron

Với sự xuất hiện của biến thể phụ “tàng hình” BA.2, nhiều người từng mắc Omicron đặc biệt quan ngại về nguy cơ tái nhiễm.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang chờ đợi xe buýt tại sân bay quốc tế Los Angeles. Ảnh: AP

Kênh DW (Đức) cho biết một người từng mắc Omicon và hồi phục sẽ cho rằng họ có miễn dịch đối biến thể này. Và họ còn cảm thấy được bảo vệ hơn nếu từng tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ này sẽ giảm dần theo thời gian.

Biến thể Omicron bắt đầu lây lan vào cuối năm 2021 và được cho gây tình trạng bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó, dù có khả năng lây lan mạnh hơn.

Những người từng khỏi COVID-19 vẫn có thể nhiễm Omicron và điều tương tự xảy ra với những người đã tiêm vaccine. BA.2 được cho có mức độ lây nhiễm cao hơn 30% so với BA.1.

Những dữ liệu ban đầu tại Anh cho thấy nhiều người có thể mắc cả BA.1 và biến thể phụ BA.2. Điều này cũng được ghi nhận tại Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ). Các bác sĩ tại đây cho biết họ đã chứng kiến trường hợp người bệnh tái mắc Omicron.

Tuy nhiên, Giáo sư dự bị Shira Doron tại trường y Đại học Tufts (Mỹ) cho biết bà chưa từng ghi nhận trường hợp tái mắc Omicron nào. Bà Doron nhận định những trường hợp cho rằng tái mắc Omicron thực chất là “dương tính giả”. Bà Doron nói: "Bất kể khi nào thấy người tái nhiễm, tôi thường yêu cầu họ xét nghiệm lại và khi đó kết quả thu được thường là âm tính".

Một nghiên cứu của Đan Mạch vào cuối tháng 2 cho thấy việc tái nhiễm có khả năng xảy ra nhưng vô cùng hiếm. Nghiên cứu này khảo sát 1,8 triệu trường hợp trong làn sóng đầu tiên dịch COVID-19 do Omicron gây ra vào cuối tháng 11/2021 đến giữa tháng 2/2022.

Trong khoảng thời gian này, các nhà nghiên cứu cho biết bác sĩ đã ghi nhận 187 trường hợp tái mắc COVID-19, trong đó có 47 trường hợp tái mắc liên quan đến cả BA.1 và BA.2. Với tỷ lệ vô cùng thấp là 47 trong 1,8 triệu, điều này cho thấy tái nhiễm là rất hiếm. Tuy nhiên, dữ liệu có thể thay đổi nếu kéo dài thời gian nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại California. Ảnh: AP

Giáo sư Monica Gandhi tại Đại học California (Mỹ) cho biết việc tái mắc Omicron có thể phổ biến hơn so với kết quả thu từ nghiên cứu tại Đan Mạch. Theo bà, kháng thể thu được từ việc mắc COVID-19 hoặc mũi vaccine bổ sung chỉ kéo dài trong 4 tháng, do vậy, khi khả năng bảo vệ giảm dần, chúng ta lại đối mặt với rủi ro.

Cố vấn của Bộ Y tế Israel Cyrille Cohen cho biết tỷ lệ tái nhiễm trong khoảng thời gian ngắn 2 tháng là vô cùng hiếm. Theo ông Cohen, trong 2,5 triệu người mắc COVID-19 vào khoảng thời gian giữa tháng 11 và đầu tháng 2, chỉ ghi nhận có vài trăm trường hợp tái nhiễm.

Vào cuối tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định BA.2 vẫn được phân loại là Omicron. Ông Cohen có cùng quan điểm này và cho rằng sẽ không có làn sóng lây nhiễm BA.2 bởi rất nhiều người đã miễn dịch với BA.1.

Vậy nhưng, một nghiên cứu của Nhật Bản được đăng tải vào giữa tháng 2 cho rằng có khác biệt đáng kể về gien giữa BA.1 và BA.2. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản phân tích rằng nên xếp BA.2 vào một loại biến thể tách biệt từ virus SARS-CoV-2. Nhưng nghiên cứu của họ sử dụng virus giả của BA.2 và điều này đồng nghĩa với việc thu được kết quả khác biệt nếu làm thí nghiệm tương tự với con người.

Vaccine đã thể hiện là công cụ bảo vệ tốt trước COVID-19. Do vậy, người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc COVID-19 nhưng ít khả năng rơi vào tình trạng bệnh nặng.

Hà Linh/Báo Tin tức
WHO: Omicron là biến thể trội, chiếm 99,7% số ca lây nhiễm toàn cầu
WHO: Omicron là biến thể trội, chiếm 99,7% số ca lây nhiễm toàn cầu

Báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 29/3 cho thấy số ca nhiễm mới có xu hướng giảm, với Omicron là biến thể trội trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN