Giới chuyên gia: Dấu hiệu thay đổi chính sách của Mỹ về Triều Tiên

Ngày 13/12, giới chuyên gia nhận định những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về thiện chí đàm phán với Triều Tiên mà "không cần những điều kiện tiên quyết" có thể báo hiệu một sự thay đổi rõ rệt trong lập trường với Bình Nhưỡng của Washington, cũng như mở ra "cánh cửa cơ hội" xoa dịu những căng thẳng liên quan các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc họp báo về Triều Tiên tại Washington DC., ngày 20/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà nghiên cứu James Kim thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan nhận định rằng rõ ràng tuyên bố trên khác hẳn lập trường trước đây của Mỹ và dường như trong một chừng mực nào đó Washington đang "xuống nước" với một số yêu cầu của Bình Nhưỡng.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá còn quá sớm để biết được liệu các cuộc đàm phán vô điều kiện là hướng chính sách mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ theo đuổi hay không.

Giáo sư Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên Yang Moo-jin cho rằng Mỹ nên có những hành động "tiếp theo" để củng cố sự nghiêm túc trong phát ngôn của Ngoại trưởng Tillerson và khả năng tổ chức các cuộc đàm phán sẽ gia tăng. Tuyên bố của Triều Tiên về việc hoàn thiện vũ khí hạt nhân có thể được hiểu như một cách báo hiệu Bình Nhưỡng có khả năng đang tìm cách xoay chuyển cục diện thông qua đối thoại.

Điểm mấu chốt là liệu tuyên bố của ông Tillerson có phản ánh mong muốn của Tổng thống Trump hay chỉ là quan điểm cá nhân của nhà ngoại giao hàng đầu Washington. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Mỹ có bất kỳ hành động nào sau tuyên bố trên như một đề xuất đàm phán thực sự hay khởi động lại các kênh liên lạc với Bình Nhưỡng. Mặt khác, Giáo sư Yang còn quan ngại về sự mất lòng tin và tình trạng thù địch sâu sắc, vốn đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khẩu chiến gần đây, cản trở hai bên có thể bắt đầu liên lạc trực tiếp.
     

Về phần mình, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Park Jeong-jin nhận định thông điệp trên sẽ có một tác động tích cực, thuyết phục Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ xấu đi nếu Bình Nhưỡng phớt lờ và đáp trả bằng cách tăng cường hành động khiêu khích khiến Washington khó khăn hơn trong việc xoay chuyển chính sách tương lai, từ đó đẩy căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Hiện phía Triều Tiên chưa có bất kỳ động thái nào sau tuyên bố trên của Ngoại trưởng Mỹ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này hoan nghênh tất cả các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

TTXVN/Báo Tin tức
Nhật Bản, Mỹ sẽ tiếp tục tăng sức ép với Triều Tiên
Nhật Bản, Mỹ sẽ tiếp tục tăng sức ép với Triều Tiên

Ngày 13/12, Nhật Bản và Mỹ xác nhận sẽ tiếp tục gia tăng sức ép để buộc Triều Tiên phải thay đổi chính sách hạt nhân và tên lửa, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đưa ra các thông điệp mạnh mẽ về vấn đề Triều Tiên trong phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến sẽ được tổ chức trong tuần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN