Giới chức y tế Mỹ kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào công nghệ xét nghiệm

Ngày 19/7, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ Francis Collins cảnh báo việc xét nghiệm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lâu có kết quả ở Mỹ đang làm giảm hiệu quả của việc tiến hành xét nghiệm.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại Inglewood, bang California, Mỹ ngày 19/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn đài NBC, ông Collins nhấn mạnh thời gian trung bình trả kết quả xét nghiệm quá dài, và điều này làm giảm giá trị của việc tiến hành xét nghiệm, vì xét nghiệm là để phát hiện người nhiễm virus, qua đó nhanh chóng tiến hành cách ly để không lây lan dịch bệnh. Ông Collins cho rằng Chính phủ Mỹ phải đầu tư vào các công nghệ mới để có thể đáp ứng nhu cầu xét nghiệm hiện nay.

Ngày 18/7 vừa qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho hãng xét nghiệm Quest Diagnostics tiến hành xét nghiệm chung mẫu bệnh phẩm của 4 người để phát hiện bệnh COVID-19.

Theo FDA, xét nghiệm chung là một phương pháp quan trọng đối với y tế công cộng vì có thêm nhiều người được xét nghiệm nhanh và giảm nguồn lực. Theo đó, mỗi lần sẽ tiến hành xét nghiệm chung mẫu bệnh phẩm của 4 người. Nếu kết quả dương tính, chứng tỏ ít nhất một người trong đó có thể đã mắc bệnh, khi đó sẽ xét nghiệm lại riêng từng trường hợp.

Giới chức FDA cho rằng đây là "một bước quan trọng hướng tới tiến hành nhiều xét nghiệm COVID-19 hơn ở Mỹ, theo đó nhiều người được xét nghiệm hơn với thời gian nhanh hơn trong khi bảo toàn được các thiết bị xét nghiệm". 

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ngày 19/7 ghi nhận thêm 63.872 ca nhiễm mới và 514 ca tử vong do COVID-19  trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt 3.762.081 ca và 140.474 ca. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Mỹ có số ca nhiễm mới trên 60.000 người, trong đó ngày 17/7 ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất là 77.638 ca.

Trong khi đó, theo trang thống kê worldometers.info, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 3.896.855 ca nhiễm và 143.269 ca tử vong do COVID-19. 

* Tại Đức, Thủ hiến bang Bavaria Markus Soeder thông báo bang này sẽ sớm thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí tại các sân bay đối với những người trở về nước sau kỳ nghỉ.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay Franz-Josef-Strauss ở Munich, Đức ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức đã kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với nhiều nước láng giềng, song ngày càng có nhiều quan ngại về nguy cơ người đi du lịch nước ngoài khi về nước mang theo mầm bệnh, dẫn tới hàng loạt ca nhiễm mới.

Trả lời phỏng vấn đài ZDF, Thủ hiến Soeder nhấn mạnh chính quyền bang Bavaria đang xúc tiến thành lập các trung tâm xét nghiệm tại các sân bay của bang, và "bất cứ ai cũng được xét nghiệm miễn phí bất cứ lúc nào". Kế hoạch này dự kiến được triển khai trong vài ngày tới.

Bang Bavaria ở miền Nam nước Đức, là nơi đặt sân bay Munich (sân bay lớn thứ hai của Đức sau sân bay Frankfurt) và một số sân bay nhỏ khác. Hiện sân bay Franfurt có trung tâm xét nghiệm nhưng tính phí khoảng từ 59 - 139 euro (67 - 159 USD).

Bang Bavaria nằm trong số những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 tại Đức, chủ yếu do người dân trở về sau kỳ nghỉ trượt tuyết tại các điểm nóng dịch bệnh ở Áo. Lễ hội bia tại thị trấn Mitterteich không lâu trước khi Đức áp lệnh phong tỏa vào tháng 3 vừa qua cũng bị cho là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan.  

Đặng Ánh (TTXVN)
Số ca mắc COVID-19 gia tăng đẩy giá dầu châu Á đi xuống
Số ca mắc COVID-19 gia tăng đẩy giá dầu châu Á đi xuống

Giá dầu châu Á giảm trong phiên ngày 20/7 trước sức ép từ triển vọng rằng số ca mắc COVID-19 gia tăng có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu năng lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN