Giới chức y tế Mỹ bị tòa án ‘trói tay’ trong chống COVID-19

Cuộc khủng hoảng y tế công cộng COVID-19 ở Mỹ đòi hỏi chính quyền phải có quyết định nhanh chóng, nhưng các thẩm phán phe Cộng hòa lại muốn ngăn chặn điều đó.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 20/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Vox, các quyết định của tòa án Mỹ gần đây có thể làm hạn chế khả năng chống dịch bệnh của chính quyền Mỹ.

Trong vụ kiện Branch v. Newsom, Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực 9 đã làm giới chức California bị hạn chế nghiêm trọng trong đóng cửa các trường học tư nhân để phòng dịch. Thẩm phán Dadiel Collin cho rằng các biện pháp đóng cửa này làm ảnh hưởng tới quyền nuôi dạy và giáo dục con cái của các bậc cha mẹ.

Trong vụ kiện Florida v. Becerra, Tòa án Phúc thẩm Liên bang khu vực 11 đã khôi phục một lệnh của tòa án cấp thấp, theo đó ngăn chặn một loạt quy định mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) áp dụng để ngăn các tàu du lịch bị biến thành lò ấp COVID-19.

Trước đó, tháng 5/2020, bốn thẩm phán Cộng hòa tại Tòa án Tối cao Wisconsin đã tước bỏ phần lớn thẩm quyền của Sở Dịch vụ Y tế bang, ngăn sở này đóng cửa doanh nghiệp và hạn chế tụ tập đông người. Đáng lưu ý là trong vụ kiện Wisconsin Legislature v. Palm, thẩm phán Daniel Kelly vừa mất ghế và đang phục vụ nốt những ngày cuối cùng.

Ngay sau phán quyết của tòa, các quán bar khắp Wisconsin mở cửa trở lại và nhiều quán bar đông kín người không đeo khẩu trang trong không gian kín. Tới tháng 10/2020, Wisconsin là một trong những bang bùng dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất Mỹ.

Tòa án Tối cao cũng hạn chế nghiêm ngặt thẩm quyền của nhiều cơ quan y tế bang và liên bang. Tòa án Tối cao bắt đầu đưa ra những quyết định ngăn chặn các chính quyền bang hạn chế tụ tập trong nhà thờ và các cơ sở tôn giáo khác. 

Theo tờ Vox, nhiệm vụ của các tòa án không phải là viết lại luật theo hướng ủng hộ đảng chính trị của mình, cũng không phải là tạo ra những hạn chế mới với cơ quan y tế công cộng. Nhiều quyết định của tòa án áp đặt với cơ quan y tế bang không chỉ gây hại vì khiến dịch bệnh lây lan, đồng thời có thể làm tê liệt các phản ứng chống dịch bệnh nếu xảy ra đại dịch trong tương lai.

Nguyên nhân là vì các quyết định của tòa án không dễ bị nghị viện thay đổi. Ngay cả nếu Quốc hội hoặc nghị viện bang tìm cách vượt mặt các quyết định của tòa án, các thẩm phán cũng sẽ đưa ra những phán quyết khiến các nghị sĩ khó có thể khôi phục lại quá nhiều quyền lực của các cơ quan y tế. 

Tại Mỹ, các quan chức y tế công cộng hiếm khi có thể hành động mà không được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, Quốc hội và một số bang đã thông qua nhiều luật, trao các quyền lực nhất định cho CDC và các cơ quan y tế công cộng khác, trong đó có thẩm quyền rộng trong phản ứng với tình trạng y tế khẩn cấp.

Vì thế, khi tòa án hạn chế quyền của các quan chức y tế tức là họ đang thay đổi chế độ pháp lý do các nghị sĩ thiết lập một cách dân chủ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo luật liên bang, CDC có quyền thiết lập và thực thi quy định trong thẩm quyền để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm lây lan từ nước ngoài vào Mỹ hoặc từ bang này vào bang khác. 

Tương tự, luật bang Wisconsin cho phép sở y tế bang có quyền đóng cửa trường học và cấm tụ tập đông người trong trường học, nhà thờ, địa điểm khác để kiềm chế bùng phát dịch và để thực hiện các biện pháp khẩn cấp cần thiết nhằm ngăn chặn bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, sở y tế bang này đã bị tòa án tước bỏ quyền đó như trong vụ kiện Wisconsin Legislature v. Palm.

Bệnh truyền nhiễm có thể lây lan theo cấp số nhân. Một ổ dịch nhỏ ở một khu vực nhỏ cũng có thể biến thành ổ dịch lớn lây nhiễm cho cả triệu người nếu giới chức bang không ngăn chặn nhanh chóng. Nếu không có cơ quan y tế nào có thẩm quyền để hành động nhanh chóng, ổ dịch có thể lan ngoài tầm kiểm soát.

Trong phần tranh tụng trong vụ kiện ở bang Wisconsin, luật sư Colin Roth đại diện cho sở y tế bang lập luận rằng dịch bệnh COVID-19 cũng như cháy rừng và cơ quan y tế cũng như sở cứu hỏa. Để xử lý cháy rừng, cơ quan chức năng cần đóng cửa đường cao tốc và doanh nghiệp để giữ người dân ở vùng an toàn. Nếu đòi lính cứu hỏa phải được cho phép rồi mới được đóng cửa đường cao tốc hay làm các biện pháp chữa cháy khác thì toàn bang đã chìm trong lửa. Do đó, luật sư Roth cho rằng đòi cơ quan y tế phải xin phép trước khi thực hiện mỗi biện pháp chống COVID-19 thì đã quá muộn.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Vừa mở cửa, đảo Phuket ở Thái Lan lại có nguy cơ phải đóng vì COVID-19
Vừa mở cửa, đảo Phuket ở Thái Lan lại có nguy cơ phải đóng vì COVID-19

Là hòn đảo du lịch đầu tiên ở Thái Lan miễn cách ly cho du khách quốc tế đã tiêm vaccine COVID-19, nhưng một số ổ dịch bùng phát trên đảo Phuket đang đe dọa làm đổ bể hình mẫu mở cửa cho các quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN