Đây được coi là một trong những lý do khiến Thủ tướng Lý Hiển Long ra lệnh kéo dài giãn cách xã hội thêm 4 tuần và triển khai nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Tính đến sáng 23/4, tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore là 10.141, trong đó có 12 ca tử vong. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), gần 80% các ca lây nhiễm liên quan đến người lao động nước ngoài sinh sống trong 43 khu nhà ở trên toàn quốc.
Điều đáng lo ngại không kém cho các giới chức tại quốc gia Đông Nam Á này là sự xuất hiện của các ca mắc bệnh không xác định được nguồn lây nhiễm. Số ca mắc này không có dấu hiệu giảm mặc dù hai tuần trước, Singapore đã áp dụng các biện pháp cách ly xã hội như đóng cửa trường học và khuyến cáo mọi người ở nhà nhiều nhất có thể.
Cụ thể, số liệu chỉ ra 17 trong số 25 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày (đây là người Singapore hoặc công dân, không phải người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá) không xác định được nguồn lây nhiễm. Điều này có nghĩa là có đến 68% các ca mắc trong cộng đồng mất dấu F0.
Những ca mắc COVID-19 mất dấu F0 là những trường hợp không xác định nguồn lây, mặc dù giới chức tích cực theo dõi những người xuất hiện tại những điểm mà người bệnh đã tới hoặc những người mà bệnh nhân tiếp xúc.
Đối với phần lớn các ca mắc, tất cả người tiếp xúc gần với bệnh nhân đều được cách ly và theo dõi sức khỏe. Trong thời gian này, giới chức thường có thể xác định nguồn lây bệnh. Nếu như không tìm ra, một khả năng khác là vì có những ca mắc COVID-19 khác chưa được phát hiện trong cộng đồng tiếp tục lây lan virus. Hồi tháng Hai, khi tổng số ca mắc tại Singapore chỉ dừng ở hàng trăm, giới chức nước này phải mất 4 tuần mới phát hiện ra ổ dịch tại một nhà thờ.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới các ca mắc COVID-19 không tìm ra nguồn lây bệnh?
Đầu tiên, theo Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong, những ca mắc COVID-19 không tìm ra nguồn lây là một dấu hiệu cho thấy tiếp tục có những người khác mang mầm bệnh trong cộng đồng. Những người này chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí là không có triệu chứng song vẫn lây bệnh.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây, một vài bệnh nhân mắc COVID-19 mặc dù không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào song vẫn mang mầm bệnh và lây truyền cho người khác. Nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa British Medical Journal ngày 2/4 chỉ ra có đến 78% trong tổng số 166 các ca mắc mới không có triệu chứng. Các nhà nghiên cứu Singapore cũng phát hiện ra các ca bệnh tương tự.
Thứ hai, trong nhiều trường hợp, nhân viên phụ trách theo dõi người tiếp xúc chưa điều tra toàn diện thông tin nền và lịch sử hoạt động của bệnh nhân, do chưa có đủ thời gian hoặc bệnh nhân không cung cấp chi tiết đầy đủ. Tuy nhiên, nếu như các ca mắc mới không xác định được nguồn lây bệnh càng xuất hiện nhiều thì quá trình theo dõi người tiếp xúc càng trở nên khó khăn hơn.
Ông Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Đại học Y tế Cộng đồng Saw Swee thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết: “Nếu số lượng các ca mắc mới ít, các nhóm theo dõi người tiếp xúc có thể điều tra và giám sát kỹ hơn. Tuy nhiên, trong hai tuần qua, số các ca mắc mới tăng đáng kể. Chính vì vậy, nỗ lực theo dõi trở nên khó khăn hơn”.
Cụ thể, trong tháng Hai, mỗi ngày Singapore ghi nhận chưa đầy 10 ca mắc COVID-19 mới. Nhưng trong ba ngày qua, số ca mắc hàng ngày đã lên tới trên 1.000 trường hợp.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, đội phụ trách theo dõi người tiếp xúc đã huy động 1.300 binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Singapore tham gia. Những người theo dõi có nhiệm vụ phỏng vấn từng bệnh nhân về lịch sử hoạt động và những người mà họ tiếp xúc trong 14 ngày trước đó, sau đó gọi đến từng người này để tìm hiểu thêm chi tiết và xác định xem họ có thuộc nhóm đối tượng cần cách ly hay không.
Theo chuyên gia Teo, động thái gia hạn thời gian cách ly xã hội hy vọng sẽ giúp giới chức Singapore tìm ra được nguồn lây COVID-19 đang diễn ra, từ đó giảm số các ca mắc chung cũng như số ca mắc mất dấu F0.