Thông báo này đã làm giảm kỳ vọng vào khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ có một gói kích thích mới trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến vào ngày 3/11 tới.
Thị trường chứng khoán Phố Wall đã đồng loạt lao dốc sau thông báo của Bộ trưởng Mnuchin, người được Tổng thống Donald Trump giao nhiệm vụ đàm phán với các nghị sĩ đảng Dân chủ về việc gia hạn một số điều khoản đã hết hiệu lực trong Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES). Đạo luật này được ban hành tháng 3 vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại một hội nghị kinh tế, Bộ trưởng Mnuchin cho biết cuộc đàm phán giữa ông và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào sáng cùng ngày đã đạt tiến triển trong một số lĩnh vực, nhưng vẫn còn một số bất đồng.
Cố vấn của bà Pelosi, Drew Hammill, cho hay chiến lược xét nghiệm COVID-19 cấp quốc gia tiếp tục là một trong những chủ đề gai góc nhất. Dự kiến, hai bên sẽ tiếp tục thương lượng trong ngày 15/10.
Tiến trình đàm phán giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ về gói cứu trợ kinh tế đã bắt đầu từ hôm 7/8 nhưng đến nay vẫn đang bất đồng về mức chi tiêu ngân sách. Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 1.800 tỷ USD, cao hơn so với đề xuất 1.600 tỷ USD mà đảng Cộng hòa đưa ra trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức đề xuất 2.200 tỷ USD của đảng Dân chủ.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật Đạo CARES nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần một gói cứu trợ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Cùng ngày 14/10, Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Richard Clarida cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ cần sự hỗ trợ hơn nữa từ Nhà Trắng cũng như quốc hội để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ông Clarida nêu rõ nền kinh tế đầu tàu thế giới đang trên đà phục hồi sau dịch COVID-19 với tốc độ nhanh hơn so với sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các số liệu lạc quan hiện tại được đưa ra trong bối cảnh triển vọng hỗ trợ tài chính của chính quyền chưa rõ ràng mà đây lại là yếu tố cần thiết để nền kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.