Phát biểu với các phóng viên sáng 25/3, quan chức Nhà Trắng Eric Ueland khẳng định: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận" sau nhiều ngày đàm phán về gói kích thích kinh tế, dự kiến trị giá 2.000 tỷ USD.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết "ít nhất, chúng ta đã có được một thỏa thuận", viện dẫn "khoản đầu tư quy mô lớn ở cấp độ thời chiến đổ vào đất nước chúng ta" đã đạt được sau 5 ngày thảo luận căng thẳng.
Ngay sau phát biểu của ông McConnell, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer cũng nêu rõ: "Chúng tôi đã đạt được sự nhất trí lưỡng đảng về gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ". Thượng nghị sĩ này nhấn mạnh hiện có quá nhiều người đã mất việc làm và đối diện với tương lai mờ mịt khi dịch COVID-19 hoành hành khắp đất nước này.
Theo quy định, Quốc hội lưỡng viện Mỹ vẫn cần bỏ phiếu thông qua dự luật hỗ trợ và kích thích nền kinh tế này trước khi chuyển tới Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật. Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ ba của Chính phủ Mỹ trong nỗ lực giảm bớt tác động từ dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Trước đó, ngày 24/3, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) cho biết đã cấp 100 triệu USD cho 1.381 trung tâm y tế trên khắp nước Mỹ nhằm hỗ trợ đối phó với dịch bệnh COVID-19. Trong một tuyên bố, HHS nhấn mạnh, các trung tâm y tế này có thể sử dụng các nguồn ngân sách hỗ trợ nói trên để đáp ứng nhu cầu về xét nghiệm và khám bệnh, mua sắm vật tư y tế và tăng cường khả năng y tế từ xa.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng HHS Alex Azar cho hay hiện Mỹ đang dự trữ 30 triệu khẩu trang dùng trong phẫu thuật, nhưng HHS ước tính và khuyến nghị nước này cần đến 300 triệu chiếc khẩu trang như vậy.
Theo các nguồn thạo tin, nhà sản xuất máy bay Boeing Co dự định sẽ tái khởi động hoạt động sản xuất máy bay 737 MAX vào tháng 5 tới, qua đó chấm dứt thời gian đình chỉ kéo dài nhiều tháng qua do lệnh cấm bay đối với dòng máy bay bán chạy nhất của hãng sau hai vụ tai nạn máy bay gây chết người.
Một nguồn tin cho biết Boeing đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị giao các phụ tùng của máy bay 737 MAX vào tháng 4 và hoạt động sản xuất dự kiến sẽ tái khởi động vào tháng 5. Một nguồn tin khác cũng tiết lộ dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến các kế hoạch của Boeing, khiến hãng đẩy thời điểm tái sản xuất dự kiến sang tháng 5, thay vì tháng 4 như kỳ vọng ban đầu.
Ngày 24/3, khi được hỏi về mục tiêu tái sản xuất vào tháng 5, Giám đốc Tài chính của Boeing Greg Smith phát biểu với hãng tin Reuters rằng đây là một bước chuẩn bị chậm rãi và có hệ thống cho dây chuyền sản xuất, và việc gia tăng sản xuất sẽ phải đi cùng với việc giải quyết lượng máy bay 373 MAX còn tồn kho.
Bên cạnh đó, kế hoạch của Boeing còn phải phụ thuộc vào mức độ gián đoạn mà dịch COVID-19 gây ra và thời điểm các nhà quản lý Mỹ chấp thuận cho máy bay 737 MAX bay trở lại mà Boeing vẫn đang mong muốn sẽ đạt được vào giữa năm 2020. Boeing đã ngừng sản xuất máy bay 737 MAX vào tháng 1 trong bối cảnh hãng đang nỗ lực nhận được sự cho phép của các nhà quản lý và vẫn còn 400 chiếc chưa giao cho khách hàng.
Dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu đi lại trên toàn cầu sụt giảm mạnh và "cuốn đi" hàng tỷ USD giá trị thị trường của Boeing, cùng với cuộc khủng hoảng kéo dài cả năm qua do 737 MAX bị cấm bay sau hai vụ rơi máy bay ở Ethiopia và Indonesia khiến 346 người thiệt mạng.
Mỹ hiện "điểm nóng" thứ 3 về dịch bệnh khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24/3 đánh giá nước này có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới. Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 là từ châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%. Tính đến tối 24/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 46.168 trường hợp mắc COVID-19 và 582 trường hợp tử vong.