Phát biểu trên chương trình Fox News Chủ nhật, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen kêu gọi người dân nước này không mất niềm tin vào chính phủ. Theo bà, người dân Mỹ có thể tin tưởng vào các hệ thống cảnh báo của chính phủ do được lực lượng chức năng kiểm tra hàng ngày. Bộ trưởng An ninh Nội địa Nielsen khẳng định đây là một lỗi đáng tiếc song các cảnh báo này rất quan trọng. Hiện Bộ An ninh Nội địa đang làm việc với lực lượng chức năng nhằm đảm bảo vụ việc này không xảy ra lần nữa.
Quang cảnh thành phố Honolulu ở Hawaii ngày 13/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, ông Ajit Pai, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) - cơ quan đang tiến hành điều tra vụ việc, nhấn mạnh việc phát đi cảnh báo nhầm là không thể chấp nhận, có thể khiến người dân giảm sự tin tưởng đối với hệ thống cảnh báo cũng như giảm hiệu quả ứng phó trong trường hợp xảy ra trường hợp khẩn cấp thực sự. Do đó, cần phải lập tức có biện pháp khắc phục.
Theo Chủ tịch FCC, điều tra của cơ quan này cho thấy dường như Hawaii đã không có thiết bị dự phòng an toàn hoặc giám sát tiến trình phù hợp để ngăn chặn cảnh báo nhầm. Do đó, FCC sẽ tập trung vào các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn khả năng lặp lại việc này trong tương lai.
Trước đó, cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp của bang Hawaii cho biết vụ báo động nhầm xảy ra vào giữa cuộc diễn tập, khoảng 8h tối ngày 13/11 (theo giờ địa phương) trong một phiên đổi ca trực và thực hành thao tác kỹ thuật, dẫn tới việc "bấm nhầm nút". Sai sót này đã kích hoạt hệ thống điện thoại tự động trên hòn đảo đi kèm với cảnh báo hối thúc người dân nhanh chóng tìm nơi ẩn náu. Phải 40 phút sau khi xảy ra báo động nhầm, nhà chức trách mới có thông báo khẳng định hệ thống báo động bị nhầm và không có mối de dọa tên lửa, cũng như nguy hiểm nào đối với bang Hawaii.
Người đứng đầu Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp bang Hawaii, Vern Miyagi đã lên tiếng xin lỗi người dân về sai sót kỹ thuật trên, đồng thời cam kết sẽ xem xét lại các quy trình, thao tác kỹ thuật để sự cố tương tự không xảy ra trong tương lai. Trong một tuyên bố, cơ quan này nêu rõ việc thiếu các biện pháp dự phòng an toàn phù hợp và lỗi của con người trong diễn tập cảnh báo phòng vệ dân sự là nguyên nhân dẫn đến vụ báo động nhầm xảy ra ngày 13/11, đồng thời hoan nghênh kết quả xem xét của FCC.
Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp bang Hawaii cho biết sẽ không tiến hành diễn tập báo động khẩn cấp cho đến khi có các biện pháp thích hợp thay thế. Thống đốc bang Hawaii David Ige khẳng định vụ báo động nhầm là hoàn toàn "không thể chấp nhận", đồng thời cho biết chính quyền bang sẽ tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo không lặp lại vụ việc tương tự.
Cũng trong ngày 14/1, trả lời phỏng vấn đài CNN, nghị sĩ Tulsi Gabbard của bang Hawaii cũng cho rằng vụ báo động nhầm này là không thể chấp nhận, đồng thời cho rằng việc báo động nhầm có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh. Trong một cuộc phỏng vấn khác trên đài ABC, bà Gabbard cũng kêu gọi Tổng thống Donald Trump hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Joung-un mà không kèm bất kỳ điều kiện tiên quyết nào nhằm tìm ra các khác biệt cũng như cách thức xây dựng con đường hướng đến phi hạt nhân hóa.
Đây không phải lần đầu tiên hệ thống cảnh báo của bang Hawaii gặp sự cố. Trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng trước, chỉ 12 trong tổng số 386 còi báo động của bang vang lên. Tại Waikiki - địa điểm thu hút du lịch của bang, các còi báo động chỉ vừa đủ nghe, khiến lực lượng chức năng phải lắp đặt thêm cũng như thay thế các còi báo động.
Vụ báo động nhầm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng trong nhiều tháng qua sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Mỹ, trong đó có quần đảo Hawaii.