Quan chức trên nêu rõ Tehran không yêu cầu châu Âu đầu tư vào Iran mà chỉ yêu cầu về mức bán dầu mỏ. Đây đơn thuần là lợi ích tối thiểu của Iran trong thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015.
Dự kiến, giới chức cấp cao Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận JCPOA sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) trong ngày 28/6 nhằm tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cường quốc châu Âu bị hạn chế khả năng giúp nền kinh tế Iran khắc phục tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, chưa rõ các quốc gia này có thể đáp ứng những đòi hỏi về lợi ích kinh tế của Tehran hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt Iran, đặc biệt là nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này. Iran nêu rõ nước này muốn tuân thủ thỏa thuận nhưng không thể tuân thủ mãi mãi vì các trừng phạt của Mỹ đồng nghĩa Iran không có được lợi ích nào từ thỏa thuận.
Ngày 21/6 vừa qua, ông Trump đã quyết định tấn công quân sự Iran nhưng đã rút lại quyết định vào phút chót. Trong khi đó, Iran tuyên bố hạn chót ngày 27/6 nước này sẽ vượt mức giới hạn về sở hữu urani làm giàu được quy định trong thỏa thuận hạt nhân đáp trả các biện pháp trừng phạt và sức ép của Mỹ. Tehran cũng ra "tối hậu thư" trong vòng 60 ngày các nước còn lại trong JCPOA nới lỏng trừng phạt đối với Iran trong các lĩnh vực tài chính và dầu mỏ.
Giới chức ngoại giao ngày 26/6 dẫn số liệu của các thanh sát viên Liên hợp quốc (LHQ) cho biết lượng urani làm giàu của Iran hiện vẫn dưới ngưỡng tối đa quy định trong thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, các nguồn ngoại giao thạo tin cho rằng Iran có thể sớm vượt ngưỡng giới hạn sau cuộc họp tại Áo ngày 28/6. Giới phân tích cảnh báo khả năng Tehran có thể sớm phá bỏ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân cho thấy cần khẩn cấp tìm một lối thoát cho khủng hoảng.