Trong thông báo mới nhất, RSF cho biết thỏa thuận ngừng bắn sẽ được thực hiện cùng khoảng thời gian diễn ra Lễ Eid al-Fitr, nhằm tạo điều kiện mở hành lang nhân đạo để sơ tán người dân và giúp họ có cơ hội đoàn tụ với gia đình.
Theo hãng tin Reuters, quân đội Sudan vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức liên quan tuyên bố trên của RSF. Tướng Abdel Fattah al-Burhan, Tư lệnh quân đội Sudan, trước đó cũng không đề cập đến lệnh ngừng bắn trong phát biểu được đăng trên trang mạng xã hội Facebook của quân đội.
Trước khi RSF đưa ra thông báo trên, tại thủ đô Khartoum vẫn xảy ra các cuộc giao tranh ác liệt. Ngày 20/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các bên đối địch ở Sudan ngừng bắn 3 ngày nhân lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo và “cho phép dân thường đang mắc kẹt ở những khu vực xung đột di tản, cũng như tìm kiếm các dịch vụ y tế, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu khác”.
Các cơ quan LHQ cũng tiếp tục bày tỏ lo ngại trước tác động của cuộc xung đột Sudan đối với dân thường. Ngày 21/4, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell cảnh báo xung đột leo thang tại Sudan đang khiến hàng triệu trẻ em gặp nguy hiểm. Bà Russell cho biết tình hình an ninh bất ổn trên khắp Sudan gây trở ngại cho việc thu thập và xác minh thông tin. Cơ quan này nhận được báo cáo trong 5 ngày giao tranh dữ dội ở Sudan, ít nhất 9 trẻ em đã thiệt mạng và hơn 50 trẻ khác bị thương. Bà cảnh báo nếu bạo lực không chấm dứt, trẻ em sẽ tiếp tục là đối tượng gánh chịu hậu quả.
Ngoài ra, bà Russell cũng cảnh báo cuộc giao tranh đang đe dọa chuỗi cung ứng lạnh ở Sudan, trong đó có các lô vaccine và insulin trị giá hơn 40 triệu USD, do nguồn điện bị gián đoạn và các máy phát điện cũng không được tiếp nhiên liệu.
Trong khi đó, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cảnh báo xung đột tại Sudan đang đe dọa sức khỏe và mạng sống của hàng chục nghìn phụ nữ mang thai, một phần do họ không thể rời nơi trú ẩn đề tìm kiếm các hỗ trợ y tế. Theo ước tính của UNFPA, chỉ riêng ở thủ đô Khartoum đã có khoảng 219.000 thai phụ, trong đó 24.000 người dự kiến sẽ sinh con trong những tuần tới. Cơ quan này cho biết giao tranh dữ đội kéo dài suốt 6 ngày qua đã cản trở những thai phụ này tiếp cận dịch vụ chăm sóc tiền sản thiết yếu, dịch vụ sinh nở an toàn hoặc chăm sóc sau sinh.
LHQ đã liên tục kêu gọi các bên giao tranh tránh tấn công nhằm vào hệ thống y tế. UNFPA cho biết ít nhất 20 bệnh viện tại Khartoum đã phải đóng cửa trong bối cảnh xung đột, trong khi 12 bệnh viện khác trên cả nước cũng có nguy cơ ngừng hoạt động do thiếu nguồn cung điện và nước, cũng như nguồn nhân lực y tế. UNFPA nhấn mạnh các bên đối địch trong cuộc xung đột tại Sudan cần tuân thủ luật nhân đạo quốc tế: bảo vệ tất cả dân thường, bao gồm cả những người bị thương và bệnh tật, nhân viên y tế và nhân viên cứu trợ nhân đạo, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận các cơ sở y tế và bệnh viện cho những người có nhu cầu. UNFPA nêu rõ hành vi tấn công vào cơ sở chăm sóc sức khỏe là vi phạm luật nhân đạo và quyền được chăm sóc sức khỏe của con người.
Trong khi đó, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cảnh báo khoảng 15,8 triệu người tại Sudan - tương đương 1/3 dân số nước - đang cần được hỗ trợ nhân đạo. Cơ quan này cho biết đang phối hợp với các đối tác để huy động các nguồn lực trong khu vực, bổ sung nguồn dự trữ và đảm bảo phản ứng kịp thời, nhanh chóng ngay khi xung đột tạm lắng và tình hình an ninh cho phép để triển khai các dịch vụ cứu trợ.
Giao tranh giữa RSF và lực lượng quân đội Sudan nổ ra từ ngày 15/4 đến nay tại thủ đô Khartoum và một số nơi khác, trong đó có vùng Darfur, đã khiến ít nhất 350 người thiệt mạng và khoảng 3.200 người bị thương. Cao uỷ LHQ về Người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 10.000 - 20.000 người Sudan, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã tìm cách sơ tán sang Cộng hòa (CH) Chad láng giềng nhằm tránh xung đột ở vùng Darfur trong những ngày qua. Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tuyên bố tạm ngừng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Sudan sau khi 3 nhân viên tổ chức này thiệt mạng khi làm nhiệm vụ tại Bắc Darfur.