Từ năm 2019, kinh tế Liban bắt đầu khủng hoảng và đến tháng 8/2021, nợ công của nước này đã lập mốc kỷ lục mới, dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu từ đó gây hệ lụy tê liệt các dịch vụ thiết yếu và gây ra hàng loạt vụ việc phức tạp về an ninh do giá nhiên liệu leo thang. Hàng loạt chính sách sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm đã đưa tỷ lệ nợ công tăng chưa từng có, lạm phát phi mã, dự trữ ngoại hối "bốc hơi" chóng mặt, và đồng nội tệ trượt giá sâu.
Người đứng đầu cơ quan an ninh, Thiếu tướng Abbas Ibrahim đã ra lệnh cho các sĩ quan dưới quyền kiên định trong đối mặt với cuộc khủng hoảng và dự báo tình hình này có thể kéo dài, đồng thời cảnh báo tình trạng hỗn loạn có thể dẫn đến hậu quả sụp đổ đất nước.
Trong bài thuyết giáo chiều 27/8, giáo sĩ Sheikh Derian nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại rằng… người dân Liban sẽ sớm mất lòng kiên nhẫn và rơi vào vòng xoáy hỗn loạn bởi chúng ta đã thấy điều đó hiển hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống… Điều này cần phải có giải pháp nghiêm túc và ngay lập tức… Nếu không thì chúng ta thực sự đang tiến tới điều tồi tệ nhất và hoàn toàn sụp đổ”.
Những cảnh báo từ các nhân vật cấp cao nhất đang cho thấy tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Liban. Liên hợp quốc hôm 26/8 đã kêu gọi Liban khẩn cấp thành lập một chính phủ mới nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ của quốc tế.