Gian nan con đường phục hồi nền kinh tế toàn cầu 

Sau một năm nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái vào những năm 1930, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và viễn cảnh sắp tới vẫn chưa có gì chắc chắn, bất chấp các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện giãn cách xã hội tại một cửa hàng sách ở Frankfurt, Đức nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 20/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhận định này được nhiều nhà lãnh đạo và chuyên gia đưa ra trong phát biểu nhân Hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2021 (WEF). Nhiều ý kiến còn cho rằng kinh tế thế giới đang gặp khó khăn sâu sắc hơn khi cùng lúc chịu tác động của nhiều yếu tố gộp lại, gồm tác động tàn phá của đại dịch đối với xã hội, cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra và hậu quả của biến đổi khí hậu.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 đạt 5,5% nhờ các gói kích thích của các nền kinh tế lớn và khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19 giúp khôi phục hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo triển vọng này đang bị đe dọa bởi sự không chắc chắn liên quan tới virus SARS-CoV-2 và các vấn đề hậu cần liên quan tới việc phân phối vaccine phòng COVID-19.

Kinh tế toàn cầu hy vọng sẽ phục hồi song tính khó đoán định lại khá cao do phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, biện pháp phòng chống và kiểm soát COVID-19 của chính phủ các nước cũng như tiến độ sản xuất, phân phối và tiếp nhận vaccine của người dân. 

IMF cho rằng triển vọng tăng trưởng của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản được cải thiện rõ rệt trong năm 2021. Việc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, chủ trương tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng sạch, chăm sóc y tế, giáo dục, công nghệ và nghiên cứu phát triển được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm được mức độ lây lan của dịch bệnh, tháo gỡ nút thắt về tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo bà Gita Gopinath - kinh tế trưởng của IMF, đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden có thể đẩy sản lượng kinh tế Mỹ tăng 5% trong vòng 3 năm tới. IMF cho rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong năm nay sẽ tăng lên 5,1% và tiếp tục tăng 2,5% trong năm tới, sau khi giảm 3,4% năm 2020. 

IMF cũng nhận định Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm 2021 và tiếp tục tăng 5,6% trong năm 2022. Báo cáo cũng chỉ rõ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã quay trở lại mức dự báo trước thời kỳ dịch bệnh vào quý IV/2020, trước tất cả các nền kinh tế lớn khác. 

Chú thích ảnh
Tòa nhà IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi trải qua đợt suy thoái trầm trọng và phục hồi mạnh mẽ, tỷ trọng của nền kinh tế Trung Quốc đã tăng điểm phần trăm so với nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản. Kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò "đầu tàu" trong năm 2021 nhờ nỗ lực mạnh mẽ kiểm soát COVID-19 và các hành động chính sách nhanh chóng được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch. IMF kêu gọi Trung Quốc tiếp tục duy trì một số chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng cần có các biện pháp để thúc đẩy nhu cầu tư nhân và đạt mức tăng trưởng cân bằng hơn trong trung hạn. 

Đối với Nhật Bản, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm nay lên 3,1% nhờ tác động tích cực của việc chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế và người dân vào cuối năm 2020. Chính phủ Nhật Bản dự báo lĩnh vực tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản, sẽ tăng 3,9% trong tài khóa 2021. Theo kết quả cuộc khảo sát hằng tháng mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, các nhà kinh tế khu vực tư nhân ước tính GDP của Nhật Bản sẽ tăng trung bình trong năm tài chính 2021 lên 3,42%. IMF dự báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tiếp tục tăng trưởng 2,4% năm 2022.

Tuy nhiên, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) 1 điểm phần trăm xuống còn 4,2% trong năm 2021 với việc điều chỉnh giảm đáng kể tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy. Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng cùng với các biến thể mới, các nước châu Âu buộc phải ra lệnh phong tỏa và thậm chí ban hành lệnh giới nghiêm. Dù Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận thương mại vào phút chót trước khi Anh chính thức rút khỏi EU, song IMF điều chỉnh giảm 1,4 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế của "xứ sở sương mù" trong năm nay xuống 4,5%.

Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển cũng được IMF dự báo sẽ tìm ra những con đường phục hồi khác nhau. Đáng chú ý là nền kinh tế Ấn Độ năm nay sẽ tăng tới 11,5%, cao hơn 2,7 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, phản ánh bước chuyển đổi từ sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến vào năm 2020 sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. 

Theo dự báo của IMF, ASEAN-5 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2021 và tăng tới 6% trong năm tới. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực sau năm 2020 là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Ông Helge Berger, Trợ lý Giám đốc IMF phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương đánh giá Việt Nam đã cho thấy cách ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 ngay cả khi chưa có vaccine ngừa bệnh. Điều này cho phép nền kinh tế Việt Nam trở lại hoạt động ít nhất là ở mức gần với bình thường. 

Các nền kinh tế dựa nhiều vào du lịch sẽ nằm trong nhóm đối mặt nhiều khó khăn với viễn cảnh giá dầu thấp và việc chậm bình thường hóa du lịch xuyên biên giới. Đại dịch sẽ đảo ngược tiến bộ đạt được về việc giảm đói nghèo trong hai thập niên qua. Gần 90 triệu người có khả năng bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo cùng cực trong giai đoạn 2020-2021. Trên khắp các khu vực, mức độ dễ bị tổn thương, cấu trúc kinh tế và xu hướng tăng trưởng trước khủng hoảng, cùng với mức độ nghiêm trọng của đại dịch, quy mô phản ứng chính sách và khả năng chống chọi trước sự cố sẽ định hình con đường khôi phục.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế sẽ không thể phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2021, IMF cho rằng các chính phủ cần tiếp tục hành động để ngăn chặn những thiệt hại kéo dài. Dịch bệnh cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hóa và xanh hóa. Các hành động chính sách cần đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho đến khi quá trình phục hồi được tiến hành vững chắc, với trọng tâm là thúc đẩy các yêu cầu chính như nâng cao sản lượng tiềm năng, đảm bảo tăng trưởng có sự tham gia của tất cả mọi người và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang giảm phụ thuộc vào carbon. Việc thúc đẩy đầu tư xanh cùng với  giá carbon ban đầu ở mức vừa phải nhưng tăng đều đặn sẽ giúp giảm lượng khí thải cần thiết, đồng thời hỗ trợ sự phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch.

Bên cạnh đó, các nước cũng cần hợp tác đa phương mạnh mẽ để đưa đại dịch vào tầm kiểm soát ở  mọi nơi trên thế giới. Những nỗ lực như vậy cần bao gồm việc tăng cường tài trợ cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX), gia tăng khả năng tiếp cận vaccine cho tất cả các quốc gia, đảm bảo việc phân phối vaccine phổ biến và tạo điều kiện tiếp cận với phương pháp điều trị với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. 

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có thu nhập thấp, đã lâm vào khủng hoảng với nợ nần chồng chất và có khả năng tăng cao hơn nữa trong thời kỳ đại dịch. Bởi vậy, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoãn thời gian trả nợ cho các nước nghèo nhất, dự kiến sẽ tới hạn vào tháng 6 tới. Cộng đồng toàn cầu cũng sẽ cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ với thanh khoản quốc tế cho các quốc gia nghèo nhất.

Những cơn địa chấn tài chính và biến động thị trường thế giới dưới các hình thức khác nhau khiến sức ép cải cách và cải thiện toàn diện vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên rõ nét mà tất cả các nước, đặc biệt là các nước lớn phải đối mặt giải quyết. Trước những nỗ lực như tiêm chủng, triển vọng hợp tác đa phương, tinh thần đoàn kết, kinh tế thế giới dự kiến sẽ dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh trong năm 2021. Tuy nhiên, việc tái áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 trong ngắn hạn ở một số quốc gia sẽ kìm hãm đà phục hồi kinh tế. Về lâu dài, những rủi ro trên thị trường tài chính, gia tăng nợ công toàn cầu và sự bùng phát trở lại của dịch bệnh với các biến thể mới khiến quá trình phục hồi có thể kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn.

Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)
Chuyên gia WHO bắt đầu điều tra nguồn gốc COVID-19 từ phòng thí nghiệm và chợ hải sản
Chuyên gia WHO bắt đầu điều tra nguồn gốc COVID-19 từ phòng thí nghiệm và chợ hải sản

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến gặp các nhà khoa học Trung Quốc vào ngày 29/1 và lên kế hoạch điều tra từ các cơ sở thí nghiệm, chợ và bệnh viện tại thành phố Vũ Hán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN