Khi quét mã QR in trên móc đeo bằng nhựa, bất kỳ ai sử dụng điện thoại thông minh cũng có thể ngay lập tức biết số điện thoại liên hệ khẩn cấp của người đi lạc đường.
“Cách này hiệu quả và giúp tiết kiệm công sức”, ông Li Caoliang, Trưởng đồn cảnh sát Lei Feng thuộc thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, khẳng định.
Ông Li cùng đồng nghiệp đã nảy ra ý tưởng lập mã QR cho người cao tuổi từ 4 năm trước, khi đồn cảnh sát có 44 thành viên này phải xử lý trên 200 vụ người già đi lạc trong một năm.
Mỗi trường hợp, cảnh sát lại phải dành ra nhiều giờ để xác định thân nhân từ những mô tả mơ hồ của các cụ ông, cụ bà. Trong một số trường hợp, các cụ đi lạc phải ngủ qua đêm ở đồn để chờ cảnh sát liên lạc với gia đình.
Trong số trên 65.000 nhân khẩu do đồn cảnh sát Lei Feng phụ trách, gần 1/3 là người trên 60 tuổi. Nhiều người đi lạc do có bệnh lý như sa sút trí tuệ, mất trí nhớ do tuổi tác hoặc bệnh Alzheimer.
“Ra ngoài đi dạo chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với họ. Các cụ không thể nhớ tên tuổi, địa chỉ hay số điện thoại và phần lớn rất hay đi lạc”, ông Li nói.
Người già khi đi lạc đường có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như đói, mất nước, tê cóng, thậm chí tử vong, nếu họ không được hỗ trợ kịp thời.
Các đồng nghiệp của ông Li đã phát triển ý tưởng về mã QR có thông tin liên lạc sau hai tháng thử nghiệm. Số người già đi lạc đã giảm xuống còn khoảng 30 vụ trong một năm kể từ khi áp dụng biện pháp đeo mã QR cho các cụ.
Những người dân tốt bụng đã giúp các cụ ông, cụ bà tìm được gia đình mà không cần cảnh sát hỗ trợ.
Đồn cảnh sát Lei Feng đã phân phát miễn phí hơn 50.000 miếng nhựa gắn mã QR, với một nửa là dành cho người cao tuổi ở các khu vực khác trên cả nước.
Ông Zhang Peng, Trưởng đồn cảnh sát Hongmiaozi ở Urumqi, khu tự trị Tân Cương, cho biết: “Tôi rất quan tâm đến sáng kiến này vì khu vực quản lý của tôi có nhiều người cao tuổi”. Cảnh sát Zhang đã đặt hàng hơn 100 huy hiệu QR.
Theo kết quả thống kê dân số năm 2020, Trung Quốc có 264 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 18,7% dân số.